Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kiến ba khoang hoành hành sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Một sinh viên bị kiến ba khoang cắn gây biến chứng

Kiến ba khoang đã không còn xa lạ gì với sinh viên ký túc xá (KTX) ĐHQG, nhất là sinh viên ở tại KTX Khu B (Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương), nhưng thời gian gần đây khi mùa mưa tới, cộng với điều kiện tự nhiên xung quanh khu vực KTX có nhiều lùm cây, bụi cỏ, hồ nước, suối nước chảy qua càng tạo điều kiện cho kiến ba khoang sinh sôi nảy nở nhiều hơn nữa. Bước vào đầu mùa mưa Ban quản lý KTX đã có đợt phun thuốc trừ kiến nhưng chỉ là biện pháp phòng trừ tạm thời. Bạn Lê Đình Cường (sinh viên năm 3, ĐH KHXH&NV) cho biết: “Tuy đã phun thuốc nhưng  sau một thời gian ngắn kiến ba khoang vẫn xuất hiện trở lại và không có dấu hiệu giảm bớt”. Do kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng nên ban đêm bất cứ nơi nào có ánh sáng đều có khả năng xuất hiện kiến ba khoang. Gặp bạn Bùi Thị Lệ Huyền (sinh viên năm 3, ĐH CNTT – nhà B03) tại trạm y tế KTX chia sẻ: “Khi thức khuya học bài, vì không để ý nên đã dùng tay đè lên kiến ba khoang, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy tay sưng rát, xuống trạm y tế thì biết vết thương là do kiến ba khoang để lại”.

Theo BS.ThS Đỗ Xuân Khoát (Chuyên khoa Da liễu – Bệnh viện 19-8 thuộc Bộ Công an) thì trong máu kiến ba khoang có chứa chất peridin (C24H43O9N) có độc tính gấp 12-15 lần rắn hổ, thậm chí khi kiến chết 8 năm sau độc tính vẫn còn tồn tại. Cơ thể của kiến ba khoang có chất độc và vi khuẩn cộng sinh nên khi tiếp xúc với da tạo nên viêm da, thối thịt giống như bị tạt axít. Một số người vì không biết nên đã dùng tay giết kiến sau đó vô tình sờ lên mặt, lên da khiến cho vết thương dễ dàng lan rộng.

Hiện, Ban quản lý KTX ĐHQG khuyến cáo sinh viên ban đêm nên đóng cửa sổ hoặc treo rèm để tránh kiến ba khoang bay vào phòng ở, hạn chế ngồi gần bóng đèn, ban đêm nếu có bật đèn học bài thì nên mắc mùng để tránh kiến thấy nguồn sáng mà bay vào. Nếu phát hiện bị kiến ba khoang đốt hoặc vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang thì sinh viên nên ngay lập tức rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xuống trạm y tế để được hướng dẫn điều trị, cấp thuốc miễn phí, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Bài, ảnh: Kim Hạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)