Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 triển khai tròn một vòng từ lớp 1 đến lớp 12. Đây được xem là năm học bản lề để ngành giáo dục đánh giá lại kết quả đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Với tâm thế kiên định đổi mới giáo dục, các trường học tại TP.HCM đảm bảo nguồn lực để thực hiện năm học mới thắng lợi.
Tập huấn chuyên môn vững vàng, nhuần nhuyễn
Xác định năm học 2024-2025 có nhiều nhiệm vụ trọng tâm, từ trong hè, Trường THPT Tenlơman (Q.1) đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ ở nhiều nội dung như xây dựng và đánh giá bài dạy STEM hiệu quả; ứng dụng AI trong dạy học; công tác truyền thông… Bên cạnh đó, nhà trường còn tập huấn riêng cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm; kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường.
Thầy Nguyễn Hùng Khương (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, trong năm học mới, nhà trường đặt mục tiêu triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục thành phố đặt ra. Trong đó, nhà trường sẽ tăng cường đưa giáo dục STEM và ứng dụng AI vào trong giảng dạy nhằm đổi mới phương pháp, giúp học sinh tiếp cận bài học một cách mới mẻ, dễ dàng, hiệu quả. Đây cũng là cách nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc… “Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Vì thế, song song với việc triển khai tốt Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10, 11, nhà trường còn chú trọng hỗ trợ học sinh lớp 12 từ việc giúp các em đăng ký lại các môn học lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ tâm lý. Đặc biệt là phân công những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lớp 12…”, thầy Khương thông tin.
Trong khi đó, thông điệp “nghĩ khác, làm khác” lại được Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Q.1) đặt ra trong năm học 2024-2025, năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả khối lớp của bậc tiểu học. Theo thầy Lê Hồng Thái (Hiệu trưởng nhà trường), trong năm học mới, TP.HCM đưa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số trở thành nội dung bắt buộc giảng dạy ở bậc tiểu học. Đây là một trong những nội dung mới được triển khai. Do vậy, trong thời gian nghỉ hè, nhà trường đã triển khai tập huấn cho thầy cô, giúp đội ngũ nắm vững, hiểu sâu về giáo dục kỹ năng công dân số, từ đó thực hiện một cách hiệu quả.
Thầy Thái nhìn nhận: Năm học này là năm học bản lề để nhà trường đánh giá lại quá trình đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời cũng là năm học để nhà trường quyết tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ mới theo yêu cầu của đổi mới giáo dục, ví dụ như đẩy mạnh việc đưa AI vào trong giảng dạy, triển khai sâu rộng giáo dục STEM, chuyển đổi số… “Trong hè, nhà trường đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng đội ngũ về các phương pháp dạy học tích cực, dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm, kiến tạo môi trường giáo dục tích cực… Với mong muốn trong năm học mới thầy cô sẽ mang đến cho học sinh những giờ học đầy sáng tạo, thú vị, tràn đầy sự hào hứng, khám phá, hạnh phúc”, thầy Thái nói.
Kiên định đổi mới, dạy học tích hợp
Năm học 2024-2025, TP.HCM đặt ra 15 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là một nhiệm vụ được ngành giáo dục thành phố hết sức chú trọng nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, kiên định trong dạy học tích hợp ở môn khoa học tự nhiên bậc THCS.
Ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM) nhận định, việc dạy học môn khoa học tự nhiên không đòi hỏi giáo viên phải dạy chuyên sâu, đặt nặng về mặt nội dung, kiến thức mà chỉ dạy theo yêu cầu cơ bản, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Giáo viên cần thay đổi tư duy để thích nghi và đáp ứng chương trình mới.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, năm học 2024-2025 là năm cuối cùng kết lại một chu trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở tất cả các khối lớp. Từng bậc học (tiểu học, THCS, THPT) đều phải có kế hoạch tập huấn đội ngũ xây dựng ma trận đề kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Với ma trận đề ở mỗi môn học thì từng nhà trường phải có sự thống nhất trong kỳ kiểm tra, căn cứ trên kết quả yêu cầu. Bất kỳ môn học nào cũng có đồ dùng, thiết bị dạy học. Giờ học có thiết bị dạy học sẽ nhẹ nhàng hơn, truyền tải kiến thức đúng với trọng tâm và yêu cầu cần đạt của từng môn học.
Do đó, muốn giảm tải áp lực học hành thì phương pháp dạy học phải gắn liền với việc sử dụng đồ dùng dạy học. Quan trọng nhất là thầy cô phải biết được mức độ yêu cầu, yêu cầu cần đạt của từng bài học là như thế nào… Ma trận đánh giá phải thể hiện được năng lực cần đạt của học sinh ở từng bậc học (tiểu học, THCS, THPT). Ở bậc THCS, đặc biệt là môn khoa học tự nhiên và lịch sử – địa lý, khi kiểm tra đánh giá phải được xem như bài “thu hoạch” để các em thể hiện được những yêu cầu cần đạt ở bộ môn.
Trong năm học mới, thành phố kiên quyết không để giáo viên chưa được bồi dưỡng dạy học tích hợp đứng lớp. Phòng Giáo dục Trung học sẽ tập trung hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng ma trận đề kiểm tra đánh giá ở bậc THCS. Với lớp 9 cần đánh giá, so sánh đầu ra ở bậc THCS yêu cầu học sinh đạt được những năng lực như thế nào. Ma trận đề này phải đề cập được những nội dung này. Bậc THPT phải tập trung giúp học sinh chọn đúng môn học theo năng lực, sở trường của mình để định hướng nghề nghiệp.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)