Sáng 8-9 tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị kết nối, giới thiệu du lịch Kiên Giang.
Doanh nghiệp du lịch tỉnh Kiên Giang giới thiệu sản phẩm đến du khách TP.HCM
Bà Quảng Xuân Lụa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang – cho biết thời gian qua, Kiên Giang đã tập trung cao cho ngành du lịch trên nhiều mặt: đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống điện; tu bổ, tôn tạo các khu di tích… Các doanh nghiệp tập trung đầu tư các khu, điểm, sản phẩm dịch vụ du lịch mới.
Hiện Kiên Giang có khoảng 940 cơ sở lưu trú, hơn 33.000 phòng đang hoạt động, đảm bảo đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Kiên Giang đón 6,83 triệu lượt khách du lịch, đạt 82,3% so với kế hoạch. Trong đó khách quốc tế ước đạt 468.354 lượt khách, tăng 364,4% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước 13.604 tỷ đồng, vượt 4,6% so với kế hoạch, tăng 98%.
“Hội nghị là dịp để doanh nghiệp du lịch tỉnh Kiên Giang giới thiệu sản phẩm du lịch, năng lực của mình đến các đối tác trong và ngoài nước, từ đó mở rộng quan hệ, tăng cường kết nối du lịch hơn nữa trong thời gian tới. Tôi mong rằng, Kiên Giang được tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là cơ sở lưu trú du lịch, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú cho du khách”, bà Quảng Xuân Lụa chia sẻ.
Tại hội nghị, Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – cho biết, những năm gần đây có nhiều nhà đầu tư lớn vào Kiên Giang, đặc biệt là TP.Phú Quốc, qua đó đã đạt được thành tựu lớn về hạ tầng, cơ sở vật chất dành cho du lịch để xứng tầm điểm du lịch lớn của Việt Nam. Tuy nhiên hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch yêu cầu dòng khách ổn định và chất lượng. Do đó doanh nghiệp, nhà đầu tư làm sao cho sản phẩm du lịch Kiên Giang bắt kịp xu hướng và gắn kết thị trường.
Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Hà Tiên ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch TP.HCM trong phát triển du lịch
Theo ông Hà Văn Siêu, sự chủ động của doanh nghiệp vô cùng quan trọng, mỗi doanh nghiệp cần có chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm theo định hướng của địa phương. Sản phẩm du lịch càng tỏa sáng thì điểm đến Kiên Giang càng mạnh.
“Chúng ta cần liên kết với nhau hơn nữa, một người không làm được thì nhiều người sẽ làm được. Một điểm đến có khách không thể tự nhiên mà có, mà chúng ta phải dày công vài năm, kết nối với nhau và áp dụng công nghệ để đi nhanh hơn”, Phó Tổng Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Mộng Quyên – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Hà Tiên – cho hay, định hướng phát triển du lịch của TP.Hà Tiên là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, TP.Hà Tiên sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư đồng thời đảm bảo hài hòa về môi trường, xã hội và quốc phòng an ninh.
Kiên Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp và di tích lịch sử. Nơi đây có đồng bằng, rừng, núi, biển, đảo. Trong đó có Phú Quốc – hòn đảo lớn nhất Việt Nam, với những bãi tắm đẹp, cát trắng, nước biển trong xanh, cáp treo Hòn Thơm, tuyến cáp treo 3 dây hiện đại được Tổ chức Guinness trao tặng chứng nhận “Cáp treo dài nhất thế giới”. Bên cạnh đó, Hà Tiên – án ngữ cuối trời Tây Nam của tổ quốc, nổi tiếng với Hà Tiên Thập Cảnh; Vườn quốc gia U Minh Thượng…
Phú Quốc hiện là điểm đến duy nhất ở Việt Nam được áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trong 30 ngày. Đây là những lợi thế cho Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung trong phát triển du lịch.
Hồ Trinh
Bình luận (0)