Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kiên Giang phát triển kinh tế biển

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, là chiếc cầu nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Đây là nhiệm vụ mang tầm chiến lược, thực hiện xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tiềm năng biển – đảo

Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63.000 km², với bờ biển dài khoảng 200 km và 143 đảo nổi, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống, tạo nên 5 quần đảo giàu tiềm năng kinh tế trên mặt đại dương. Biển Kiên Giang tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng, quy mô thuộc loại khá, cho phép phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế biển quan trọng.

Công nhân Công ty TNHH Trang Ngọc Phát, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, chế biến ghẹ xuất khẩu. Ảnh: Thế Thuần – TTXVN

Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ; là 1 trong 2 tỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc vịnh Thái Lan thời kỳ đến năm 2020. Trên cơ sở đó, năm 2010, đóng góp của kinh tế biển trong kinh tế – xã hội toàn tỉnh khoảng 70%, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển bình quân hơn 18%/năm giai đoạn 2005 – 2010. Riêng lĩnh vực khai thác thủy sản giải quyết trên 60.000 lao động trực tiếp trên ngư trường, mỗi năm đánh bắt hàng trăm ngàn tấn thủy hải sản các loại phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Kiên Giang, mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế biển là hoàn chỉnh cơ bản hạ tầng kinh tế biển, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia vùng biển. Tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu về tài nguyên biển, kể cả dưới lòng biển để bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế biển. Xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý, với cơ cấu ngành nghề phù hợp, phát triển mạnh khoa học công nghệ biển theo hướng phục vụ khai thác tài nguyên biển có hiệu quả và lâu dài gắn với bảo vệ môi trường biển.

Từ nay đến năm 2015, tỉnh Kiên Giang tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều công trình trọng điểm có lợi thế, hoàn thành đưa vào sử dụng làm động lực thúc đẩy, tạo sức bật phát triển kinh tế biển. Cụ thể như: Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên; sân bay, cảng biển quốc tế và hệ thống đường giao thông quanh đảo Phú Quốc; đường xuyên á nối liền với Campuchia và Thái Lan; đường hành lang ven biển phía Nam; cảng nước sâu Nam Du; cảng biển quốc tế An Thới và Bãi Đất Đỏ; cảng tổng hợp Vịnh Đầm; Nhà máy nhiệt điện Phú Quốc 200 MW, Kiên Lương 5.200 MW; đường điện cáp ngầm Hà Tiên – Phú Quốc; các cảng cá và khu tránh trú bão cho tàu thuyền ở Hòn Tre, Nam Du, An Thới, Bãi Vòng, Hòn Ngang, Gành Dầu…; các khu công nghiệp Thuận Yên, Thạnh Lộc, Tắc Cậu II, Xẻo Rô, Kiên Lương; hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ven biển; phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ; đầu tư các khu du lịch sinh thái chất lượng cao ở Phú Quốc; xây dựng các trung tâm kinh tế thương mại gắn với phát triển hệ thống đô thị ven biển, hải đảo ở Dương Đông, An Thới, Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, hình thành hành lang kinh tế ven biển Tây.

Giải pháp đồng bộ

Kiên Giang tập trung thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng các dự án đầu tư để phát triển kinh tế biển, trước mắt chú trọng các vùng ven biển, khu vực biển – đảo có khả năng đột phá nhanh, tạo động lực thúc đẩy như: Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, Rạch Giá… Kiểm soát chặt chẽ tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật trọng điểm của kinh tế biển – đảo. Trên cơ sở đó, thu hồi hoặc bãi bỏ những quy hoạch, dự án không có khả năng thực hiện, tiến hành phê duyệt lại những dự án này để mời gọi, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Ngân sách nhà nước tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thành một số công trình trọng yếu về kết cấu hạ tầng biển như: Hệ thống giao thông ven biển và các đảo, cảng nước sâu, sân bay, đô thị ven biển. Xác định nguồn vốn ODA giữ vai trò quan trọng trong đầu tư các công trình hạ tầng của chiến lược phát triển biển – đảo để từ đó có kế hoạch, phương án huy động phù hợp cho từng công trình cụ thể sử dụng hiệu quả và sinh lợi.

Tỉnh phát triển các doanh nghiệp dân doanh theo hướng khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực ngành nghề khai thác tiềm năng biển gắn với phục vụ phát triển vùng ven biển, hải đảo. Hình thành những doanh nghiệp có quy mô lớn, đầu tư chiều sâu trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để phát huy giá trị nguồn lực trong đầu tư. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế tư nhân, qua đó huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, kinh nghiệm, năng lực quản lý. Khuyến khích mạnh mẽ các hình thức đầu tư phát triển kinh tế biển, kể cả các công trình lớn như: Cảng biển, đường giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp…

Tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư nguồn nhân lực chuyên môn sâu, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển. Chú trọng đào tạo nghề phục vụ các ngành sản xuất chủ lực như: Nông nghiệp công nghệ cao; chế biến thủy sản; công nghiệp vật liệu xây dựng; dịch vụ – du lịch. Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ đầu ngành, công nhân lành nghề đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển.

Lê Huy Hải
Báo tin tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)