Sáng 12-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các sở, ngành TP về thực hiện chủ đề năm 2022: “Cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho biết, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covie-19 và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ, chính quyền TP đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả chương trình phục hồi kinh tế – xã hội của TP. Qua đó, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 được duy trì ổn định và đạt kết quả khả quan. Riêng công tác an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, tích cực thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Theo ông Trung, trước đó (ngày 9-9), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tổ chức Hội nghị để lắng nghe các ý kiến của đại diện các Hội Doanh nghiệp trên địa bàn TP về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp (DN) trong quá trình phục hồi và tiếp tục các hoạt động sản xuất, kinh doanh; Giám sát trực tiếp đồng chí Bí thư Quận ủy quận Tân Bình vào ngày 7-10 về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chủ đề năm 2022 trên địa bàn quận.
Qua giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP nhận thấy các Hội DN được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo quận, huyện, TP.Thủ Đức trong việc tổ chức các hoạt động Hội. Phát huy tốt vai trò làm cầu nối giữa chính quyền địa phương với DN, giữa DN với DN. Tại quận Tân Bình hiện có 24.556 DN đang hoạt động (nằm trong top 5 của TP về số lượng DN, hộ kinh doanh). Quận đã đẩy mạnh kết nối thủ tục hành chính trực tuyến để hỗ trợ tốt nhất và nhanh nhất cho người dân và DN, đảm bảo giải quyết 100% hồ sơ đúng hạn cho người dân. Bên cạnh đó, hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến trên địa bàn quận đạt 99,94%.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, Sở được giao chủ trì thực hiện 9 nhiệm vụ trong thực hiện chủ đề năm. Về nhiệm vụ “Xây dựng đề án phát triển ngành logistics”, Sở đã ấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan đối với quy trình triển khai thành lập Trung tâm logistics; triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics trên địa TP cho DN vừa và nhỏ. Đối với nhiệm vụ “Chương trình nâng cao hiệu quả mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống”, do khó khăn về nhân lực thực hiện nên Sở Công thương đang tìm hiểu, lựa chọn đối tác để triển khai. Về kết quả triển khai chính sách hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện, tính chung qua 5 đợt trong hai năm 2020 và 2021 của Tổng công ty Điện lực TP khoảng 2.149,474 tỷ đồng.
Thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, ông Nguyễn Bảo Cường – Trưởng phòng Lao động – Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH TP), cho biết tính đến ngày 31-8, các quận huyện và TP.Thủ Đức đã phê duyệt danh sách người lao động và kinh phí hỗ trợ cho 68.758 lượt DN, gồm 1.677.139 lượt người với số tiền hỗ trợ là 976.195.000.000 đồng. Đến nay đã thực hiện chuyển kinh phí đến 63.900 lượt DN, với 1.639.046 lượt người được hỗ trợ thuê nhà, số tiền hỗ trợ là 953.108.000.000 đồng, đạt 97,68% so với phê duyệt. Số kinh phí còn lại do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có nhiều DN cung cấp thông tin không chính xác. Hiện nay Phòng LĐ-TB&XH đang phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục liên hệ với DN đề nghị cung cấp thông tin chính xác phục vụ công tác giải ngân.
Qua báo cáo cũng như kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng đề xuất một số nguyện vọng, kiến nghị của các DN để có giải pháp hỗ trợ, động viên giúp DN phục hồi, phát triển trong tình hình mới.
Đối với các sở ngành, việc định giá trong lĩnh vực bất động sản cần thống nhất, tránh chênh lệch quá nhiều (chênh lệch rất lớn giữa mức định giá để tính thuế và định giá để cho vay vốn). Xem xét việc gia hạn hợp đồng thuê đất đối với các DN thuê đất của Nhà nước để sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện về thủ tục, xin giấy phép xây dựng đối với các DN có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, nhà xưởng. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đồng thời tạo cạnh tranh công bằng cho các DN. Áp dụng chính sách đặc thù trong việc khai thác, sử dụng đất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật công nghệ cao; tháo gỡ những thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp (xây dựng nhà kho, nhà kính để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao).
Kiến nghị Cục thuế TP giảm thuế, giãn thời gian đóng thuế thu nhập DN; giãn thời gian đóng BHXH và giảm lãi suất phạt chậm nộp BHXH cho DN, nhất là trong thời gian đang phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng kiến nghị ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP.HCM cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là DN có quy mô vừa và nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi. Hiện tại nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi DN rất lớn nhưng khả năng tiếp cận rất khó. Đề nghị xem xét lại tiêu chí cho DN vay vốn, chú trọng đến yếu tố hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục cho vay, hỗ trợ vốn… nhằm giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay. Hiện tại, số DN tiếp cận gói hỗ trợ 35 nghìn tỷ đồng của Quốc hội còn rất hạn chế. Vì vậy cần nghiên cứu các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ này, giúp các DN có nguồn vốn để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
T.Anh
Bình luận (0)