Dù sẵn sàng mở cửa đón học sinh từ ngày 14/2, song địa phương kiến nghị thành phố cần có phương án mới phù hợp với cấp độ dịch của thành phố hiện nay để tạo sự ổn định cho nhà trường khi dạy và học trực tiếp.
Địa phương đề nghị thành phố cần có hướng dẫn mới về phương án phòng chống dịch trong nhà trường
Sẵn sàng mở cửa đón học sinh
Thông tin tại cuộc họp họp giao ban về COVID-19 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 11/2, ông Trần Văn Toản- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho hay, địa phương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra thực tế tại 40 đơn vị trường tiểu học, 32 mầm non công lập. Các trường chuẩn bị rất tốt, đảm bảo đủ điều kiện đón học sinh.
“Một số trường mầm non sau khi đươc trao trả thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch cũng đang được gấp rút sửa chữa, hoàn thiện trong tuần này, sẵn sàng đón trẻ trong tuần tới”, ông Toản thông tin.
Để đảm bảo an toàn và thực hiện đúng tiến độ việc đón trẻ trở lại trường trong tuần tới, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung- Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3 cho biết, phòng giáo dục phối hợp với phòng y tế đã kiểm tra tất cả các cơ sở giáo dục công tác mở cửa trường.
“Tinh thần chung là các cơ sở đều đã sẵn sàng tâm thế. Ngay trong tuần này, một số trường tiểu học trên địa bàn quận đã cho học sinh đến làm quen trường lớp. Việc họp phụ huynh trực tiếp và trực tuyến cũng sẽ hoàn tất trong tuần chuẩn bị nội dung đi học lại. Từ ngày 14/2, hoạt động bán trú, căng tin sẽ bình thường hoá bán trú, căn-tin”, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3 hào hứng.
Tương tự, Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cũng đã tổ chức 3 đoàn kiêm tra công tác đón học sinh đi học trực tiếp từ ngày 14/2. Từ kết quả kiểm tra, ông Nguyễn Văn Hiệp- Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho hay, các trường cả trong và ngoài công lập đã chuẩn bị rất chu đáo về cơ sở vật chất, đội ngũ, phòng dịch, tổ chức họp phụ huynh. Trong đó, chú trọng việc đón học sinh lớp 1 ngay trong tuần này bởi đây là khối đầu cấp, lần đầu tiên đến trường nên cần được làm thật kỹ, thật sâu.
“Công tác bán trú, căng tin các trường đều chuẩn bị rất tốt về bếp ăn, phòng ăn, đảm bảo ngay từ tuần tới sẽ bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, cái khó của một số đơn vị là lực lương bảo mẫu đang thiếu, khó tuyển. Phòng giáo dục đã chỉ đạo các trường cố gắng sắp xếp, linh động, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh…”, ông Nguyễn Văn Hiệp nói.
Cần có phương án mới phù hợp với cấp độ dịch
Q.Gò Vấp cũng đang gấp rút công tác đón học sinh trở lại trường từ ngày 14/2. Những cơ sở trường học sau khi hoàn tất trưng dụng đã được sơn phết, đầu tư sửa chữa, tạo tâm lý an tâm và tạo ấn tượng tốt khi phụ huynh học sinh trở lại trường.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh- Phó trưởng phòng GD-ĐT quận chia sẻ, các trường tổ chức họp riêng phụ huynh khối đầu cấp để tạo thêm sự an tâm, tư vấn tốt nhất cho phụ huynh. Đồng thời, trong buổi họp, phụ huynh khối 1, 6 sẽ dẫn luôn trẻ đến trường để trẻ được biết thêm về trường, lớp. Từ 14/2, các trường tiểu học cũng sẵn sàng tổ chức bán trú, căng tin.
Dù vậy, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho rằng, hiện nay khi thành phố đang là vùng xanh thì Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế cần có thêm hướng dẫn mới về quy định đối với F1. Quy định F1 trong nhà trường chưa tiêm vắc xin phải ở nhà cách ly 14 ngày như hiện nay là chưa phù hợp.
“Phải hiểu F1 là những học sinh có nguy cơ cao, chỉ những em nào tiếp xúc rất gần mới phải ở nhà. Cần cập nhật các phương án mới để tạo sự ổn định khi dạy và học trực tiếp”, ông Trịnh Vĩnh Thanh kiến nghị.
Cạnh đó, theo ông Thanh các quy định về phòng dự trữ, quy định di chuyển 1 chiều khi học sinh toàn khối cùng trở lại trường trong điều kiện thành phố là vùng xanh cũng không thực sự phù hợp, khó thực hiện. Nếu học sinh toàn trường trở lại học trực tiếp, lớp học xuất hiện F0 và cả lớp chuyển sang phòng dự trữ thì không có phòng. “Cần xây dựng phương án mới phù hợp với cấp độ dịch, tạo điều kiện cho việc dạy và học trực tiếp”, ông Trịnh Vĩnh Thanh thẳng thắn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Duy Trọng- Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, việc đánh giá an toàn phòng chống dịch trong nhà trường hiện nay vẫn đang thực hiện theo QĐ của UBND TP về bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong các cơ sở giáo dục.
Sở đã có hướng dẫn cụ thể và hiện các trường vẫn sẽ thực hiện đánh giá mức độ an toàn phòng dịch theo bộ tiêu chí cũ.
Việc tổ chức dạy học trực tiếp theo thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vẫn thực hiện theo QĐ 3900 của UBND TP. Từng cấp độ dịch có quy định về việc dạy học trực tiếp riêng.
Chiều nay Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ làm việc về quy định phòng dịch mới Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM Trịnh Duy Trọng thông tin, chiều nay Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ làm việc về quy định phòng chống dịch mới, có hướng dẫn kịp thời hơn trong cấp độ dịch của thành phố hiện nay. Buổi làm biệc cũng sẽ chuẩn bị luôn kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố. |
Đối với quy định phòng dịch của Sở Y tế, ông Trịnh Duy Trọng cho hay, hiện nay các trường vẫn thực hiện theo QĐ 9038 của Sở Y tế. Tuy nhiên, QĐ này đang được Sở Y tế soạn thảo, chuẩn bị ban hành một số quy định mới về cách xác định F0, F1, số lượng, quy định xử lý…
Về phòng dự phòng thuộc quy trình xử lý F0. Do đó, ông Trọng khẳng định, việc sắp xếp phòng dự phòng bắt buộc phải có để khi có F0 xuất hiện nhà trường vận hành đúng quy trình, chủ động, bình tĩnh ứng phó, có điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch trong nhà trường.
“Có thể sẽ có khó khăn, vất vả khi tổ chức đồng loạt các khối lớp với số lượng, đối tượng học sinh đến trường có những đặc thù khác nhưng mỗi trường phải nỗ lực triển khai, thực hiện đúng, đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ khi đến trường”, ông Trịnh Duy Trọng nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)