Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kiến nghị địa phương tự chủ tuyển thẳng học sinh giỏi vào trường chuyên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng kiến nghị Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động cho địa phương về việc giao chỉ tiêu lớp thường và xem xét bổ sung hoặc giao tự chủ trong công tác tuyển thẳng học sinh giỏi (HSG) vào các trường THPT chuyên giúp tỉnh thành thực hiện  các cơ chế đặc thù phát triển  của các địa phương.


Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại 
hội nghị

Đây là một trong những kiến nghị được các địa phương nêu ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 cụm thi đua số 1 do Bộ GD-ĐT tổ chức trong hai ngày 27 và 28-7.

Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10

Tại hội nghị, 5 địa phương này cho hay, hiện nay Khoản 1 Điều 7 Quy chế tuyển sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3-5-2022 quy định về chế độ tuyển thẳng vào THPT chưa tạo được sự tự chủ trong công tác tuyển sinh của các địa phương, chưa tạo được sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục (các trường chuyên thuộc đại học đều tự đặt chế độ tuyển thẳng với đối tượng học sinh không được quy định trong quy chế tuyển sinh, như đối tượng học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố…).

Do vậy, đại diện Sở GD-ĐT các địa phương đề nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 7 Quy chế tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT; Kiến nghị Bộ GD-ĐT tổ chức thi HSG quốc gia đối với môn ngoại ngữ đã có triển khai dạy học tại 5 thành phố này.

Liên quan đến việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, 5 địa phương này cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018 đối với các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Hướng dẫn cơ chế bố trí kinh phí ký hợp đồng giáo viên thiếu so với định mức quy định của Bộ GD-ĐT tại các cơ sở giáo dục không có nguồn thu.

Xem xét có thêm những định hướng mới, như cho phép tổ chức các trung tâm hỗ trợ học sinh học tập các nhóm môn học đặc thù; Xây dựng biểu cơ cấu tỷ lệ giáo viên môn học của Chương trình GDPT 2018 để thống nhất trong toàn quốc.

Kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành Chương trình GDTX cấp THPT (trong đó quy định cụ thể số lượng giáo viên các bộ môn làm căn cứ tuyển dụng bổ sung giáo viên);  tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán; hướng dẫn triển khai bồi dưỡng đại trà cho toàn bộ giáo viên thực hiện Chương trình; Ban hành Thông tư về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán công tác giảng dạy chương trình mới; ban hành văn bản hướng dẫn triển khai bội dưỡng đại trà cho toàn bộ giáo viên tham gia giảng dạy chương trình GDTX.

Kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT của Chương trình GDPT 2018 để các Sở GD-ĐT thuận lợi trong công tác xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Bên cạnh đó, các địa phương kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành thông tư thay thế thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Số lượng giáo viên, nhân viên tính trên số lượng học sinh toàn trường.

Đồng thời có văn bản quy định cụ thể về tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn đối cũng như chính sách quản lí với đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên người Việt Nam và giáo viên người nước ngoài ở các trường có yếu tố nước ngoài.

Kiến nghị Chính phủ phân loại trường tư lợi nhuận và phi lợi nhuận

Đối với Chính phủ, 5 thành phố trực thuộc TW kiến nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể việc phân loại trường tư thục lợi nhuận và phi lợi nhuận trong Luật Giáo dục 2019.

Đề nghị Bộ GD-ĐT trình Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non chưa đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác, giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phát biểu tại 
hội nghị

Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với Luật Giáo dục 2019 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có cơ sở để thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp với chương trình khác của nước ngoài: cần có điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo quyền lợi của các học sinh đã theo học chương trình trước đó; điều chỉnh tỉ lệ học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Bổ sung quy định đối với thay đổi Nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nói chung và đối với nhà đầu tư nước ngoài nói riêng; mở rộng cho phép trường công lập tự chủ có thể thực hiện liên kết giáo dục, chương trình tích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thành phố.

Ngoài ra, các địa phương cũng đề xuất tùy theo quy mô của cơ sở giáo dục mà quy định số lượng cấp phó cho phù hợp; Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện; chuẩn giám đốc, phó giám đốc trung tâm; chuẩn xếp hạng trung tâm; tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục trung tâm; Tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Yến Hoa

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)