Đây là một trong 3 kiến nghị UBND TP.HCM gửi đến Chính phủ trong bối cảnh TP.HCM mở cửa trở lại trạng thái “bình thường mới”, bắt đầu khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội.
Các đại biểu tham dự buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chiều 12-10 (Ảnh: TTBC)
Chiều 12-10, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi giám sát, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp để kiểm soát dịch, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP trong thời gian tới.
Ông Dương Anh Đức cho biết, để góp phần tạo nguồn lực để TP phát triển nhanh và bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước, chủ động giải quyết được những khó khăn, thách thức hiện nay và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của TP và còn tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP giai đoạn 2022 – 2025.
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc làm này nhằm kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Dương Anh Đức, công tác phòng, chống dịch của TP trong thời gian qua là chưa có tiền lệ. TP đã cố gắng vượt bậc, nỗ lực hết sức có thể, trong hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vắc xin giai đoạn đầu, đã tập trung, huy động mọi nguồn lực.
Tuy nhiên, tác động của đợt dịch lần thứ tư phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế của TP. Tốc độ tăng trưởng GRDP của TP 6 tháng tăng 5,66% so với cùng kỳ; nhưng đến quý 3 TP thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, giảm 24,39% so với cùng kỳ.
9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 271.639 tỷ đồng, đạt 74,44% dự toán. Tổng số vốn kế hoạch đầu tư công TP đã giải ngân 11.492 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 32% tổng kế hoạch vốn đã giao (35.749 tỷ đồng).
Do những khó khăn trên, GRDP 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ, dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%).
Mặt khác, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp còn tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống và nhà máy phải dừng hoạt động để chống dịch. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn chưa có dấu hiệu hồi phục, một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”, còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho công nhân nghỉ việc; chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy do khó khăn về lưu thông, doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới hoặc bị mất khách hàng.
Nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, công nhân phải nghỉ việc, các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng lớn. Nhiều đơn vị kinh doanh như khách sạn – nhà hàng buộc phải đóng cửa. Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm mạnh do nhu cầu thị trường giảm.
Về việc làm, hàng triệu người lao động của TP bị mất việc, không có việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm nên ảnh hưởng đến thu nhập, đến sinh kế và đảm bảo cuộc sống hàng ngày.
Trong công tác điều hành ngân sách, ông Dương Anh Đức cho biết TP phải tiết kiệm chi, cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Thu ngân sách giảm dần từ tháng 5, tháng 6 và sụt giảm mạnh trong tháng 8, tháng 9. Nhu cầu kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho người dân phát sinh tăng cao và cấp bách, tạo áp lực lớn đến khả năng cân đối ngân sách của TP.
Trước tác động của dịch Covid-19, TP phải sử dụng nguồn dự phòng bố trí trong dự toán, các khoản tích lũy từ nhiều năm trước
“TP phải sử dụng nguồn dự phòng bố trí trong dự toán, các khoản tích lũy từ nhiều năm trước. Đồng thời triển khai một số giải pháp như điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức để bổ sung nguồn hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch; cắt giảm kinh phí một số nội dung;…”, ông Dương Anh Đức cho hay.
Theo ông Dương Anh Đức, từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
TP sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường; triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của TP; chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 đạt trên 95%; thúc đẩy các dự án đầu tư tư nhân; cải cách hành chính và chuyển đổi số…
N.Trinh
Bình luận (0)