Sau 2 tuần công bố dự thảo lần thứ 13. Bộ GD-ĐT đang hoàn tất phiên bản 14 chiến lược giáo dục 2009 – 2020 để lấy ý kiến trong ngành vào tuần này. Trong khi đó,trao đổi với chúng tôi, GS Phan Đình Diệu, cho rằng nhiều nhà khoa học đề xuất việc cần làm ngay là "lập 1 ủy ban về cải cách giáo dục, làm việc tới năm 2010, sau đó mới thực hiện cải cách; còn việc làm chiến lược chỉ nên xem là một hợp phần của việc cải cách này".
GS Phan Đình Diệu: "Nên xem dự thảo chiến lược giáo dục 2009 – 2020 là một hợp phần của cải cách giáo dục".
|
Thưa GS, trong khi Bộ GD-ĐT đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo chiến lược giáo dục thì tại sao Mặt trận Tổ quốc VN lại đề nghị nên dừng làm dự thảo này?
– Trong mấy năm gần đây, hội đồng tư vấn khoa học công nghệ thuộc Mặt trận vẫn có quan hệ với bên Bộ GD-ĐT để hiểu được chủ trương đường lối từng giai đoạn, từ đó, có thể góp ý những vấn đề ngành đang quan tâm.
Đối với việc làm dự thảo chiến lược 2008 – 2020, không phải Bộ GD-ĐT yêu cầu tư vấn, nhưng thấy vấn đề liên quan đến nguyện vọng cuộc sống của toàn dân nên chúng tôi có ý kiến thêm. Riêng tôi, có một lần được Bộ hỏi ý kiến ở bản dự thảo lần thứ 11.
Trong năm 2008, hội đồng tư vấn khoa học công nghệ đã có nhiều phiên họp về giáo dục. Mỗi lần, đều có ý kiến đề nghị Mặt trận chuyển ý kiến sang các cơ quan Chính phủ. Có lúc được phản hồi, có khi không.
Trước tình hình giáo dục có nhiều bất cập, gây lo lắng cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước, những năm qua, nhiều tổ chức của anh em khoa học, trí thức trong và ngoài ngành GD đã nghiên cứu và có các đề xuất chấn hưng giáo dục. Đó là các nhóm của GS Hoàng Tụy, nhóm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhóm Viện IDS và các GS Việt kiều.
Sau khi tập hợp các ý kiến này trong cuộc họp tháng 11, chúng tôi xác định tình hình giáo dục hiện nay đòi hỏi một cải cách toàn diện. Vì vậy, đã đề nghị thành lập một ủy ban hoặc tổ chức cải cách GD, thành viên không gồm các cán bộ phụ trách ngành GD hiện nay.
Chúng ta đang có chiến lược từ năm 2001 – 2010, trong khi chưa đánh giá, tổng kết xem đã làm được gì thì lại bắt tay xây một "chiến lược" giữa chừng, về hình thức là chưa hợp lý. Ban đầu, dự thảo này gọi là "2008-2020", rồi đến "2009 – 2020", còn nếu chậm thì gọi là gì, tôi cũng không biết. Nếu coi đây là một kế hoạch thực hiện thực hiện chiến lược thì hợp lý hơn.
Và như thế, nên coi công việc này như một hợp phần của kế hoạch cải cách giáo dục.
– Thực tế là, chúng ta đã có những tổ chức tư vấn về giáo dục, chẳng hạn như Hội đồng quốc gia giáo dục do Thủ tướng là Chủ tịch; tổ công tác về ĐH đẳng cấp quốc tế, cũng trực thuộc Chính phủ,v.v… Việc lập thêm một ủy ban nữa tư vấn về giáo dục liệu có thừa hoặc chồng chéo hay không?
– Tôi cho rằng Hội đồng quốc gia GD là một tổ chức hành chính, chưa làm được gì có tính chất phục vụ cải cách GD mà chỉ giải quyết vấn đề sự vụ. Tôi đồng ý với ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, phải tổ chức lại hội đồng này cho ngang tầm với nhiệm vụ, là hội đồng khoa học, chủ yếu làm nhiệm vụ tư vấn cho Trung ương, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển GD-ĐT ở tầm vĩ mô.
– Nếu lập ủy ban này, phải tập hợp được nhiều nhà khoa học. Xin được phép hỏi giáo sư, có ý kiến cho rằng các nhà khoa học Việt Nam ít khi chịu công nhận lẫn nhau?
– Chẳng nhẽ cả VN mà không tìm ra được ai am hiểu chung mà tập hợp đoàn kết được mọi người hay sao? (cười)
– Vậy GS sẽ đề xuất ai sẽ là chủ tịch ủy ban cải cách này?
– Tôi chưa nghĩ đến ai, chưa nghĩ đến chuyện đấy vì không thạo những vấn đề về nhân sự. Nhưng không khó lắm đâu. Tôi nghĩ, đó sẽ là người có đầu óc suy nghĩ thực sự, có tư tưởng và quan trọng là có thể làm việc được với người khác. Đồng thời, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến khác nhau chứ đừng áp đặt ý kiến của mình lên tất cả.
Ủy viên của ủy ban sẽ là những nhà KH và GD, am hiểu vấn đề GD hiện đại, xu hướng cải cách GD trên thế giới, kinh nghiệm GD ở các nước. Đồng thời, am hiểu yêu cầu phát triển GD của nước ta hiện nay. Có thể, không phải người nào cũng có sẵn hiểu biết đầy đủ, nhưng phải có cơ sở để hiểu biết được. Từ đó bồi dưỡng thêm.
Có thể không nên để ông Thủ tướng làm Chủ tịch, bởi không có thời gian, mà chỉ nên lãnh đạo và giám sát chung.
– Thưa GS, sức ép cần phải thay đổi và hành động giải quyết các yêu cầu của thực tiễn đặt ra với giáo dục ngày càng khẩn cấp, như chính nhìn nhận của nhiều nhà khoa học rằng ta đang tụt hậu. Trong bối cảnh đó, việc lập ủy ban để nghiên cứu cải cách rồi đưa những nghiên cứu đó vào áp dụng trong thực tiễn thì những cải cách này liệu có rơi vào tình trạng phải "chạy theo" hay không?
– Giữa những việc đang thực hiện theo chiến lược từ năm 2001 và những mục tiêu đề ra ở dự thảo chiến lược này, cần phải có khả năng và thời gian mới thực hiện được. Chúng tôi có đề xuất, trên cơ sở nghiên cứu của các nhóm, từ hợp phần của dự thảo chiến lược này, sau khi thành lập, ủy ban sẽ hoạt động trong 1 – 2 năm, tới năm 2010.
– Vậy giáo sư đánh giá như thế nào về các giải pháp mà Bộ GD-ĐT xem là đột phá trong dự thảo chiến lược này?
– Tôi đồng ý việc xác định xây dựng đội ngũ nhà giáo là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự thảo mới chỉ là những đề mục mong muốn, còn những khâu có tính chất cốt lõi về những điều đổi mới thì chưa đề cập tới.
Khi thực hiện cải cách, phải thay đổi năng lực của hệ thống sư phạm và thay đổi cách đào tạo giáo viên. Quan trọng nhất là "cái gì mà người giáo viên cần biết" lạì chưa xác định được mà chỉ dạy cho họ kiến thức. Dự thảo xác định mục tiêu "đào tạo con người có tư duy sáng tạo, độc lập" là đúng, nhưng làm thế nào để giáo viên đào tạo ra những sản phẩm như thế thì chưa đề cập tới.
Đổi mới không phải là hô hào hết theo cái này rồi cái kia, mà không hiểu đổi mới theo hướng nào, theo xu hướng nào.
– Cảm ơn GS.
Theo Vietnamnet
Bình luận (0)