Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kiến nghị miễn nộp tiền thuê đất khi tái canh vườn cao su

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chiều 11-1, tại TP HCM, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất – kinh doanh năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
Theo ông Lê Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc VRG, ngành cao su đã trải qua một năm nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm và nỗ lực bằng nhiều giải pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép – vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Kết quả, VRG đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao về sản lượng, tài chính; nguồn vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển; đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước; bảo đảm nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông; ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.
Kiến nghị miễn nộp tiền thuê đất khi tái canh vườn cao su - Ảnh 1.
Sản xuất tại các công ty thành viên VRG

Cụ thể, về doanh thu và thu nhập khác ước đạt 29.091 tỉ đồng, tăng 8% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.162 tỉ đồng, tăng 8% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 5.179 tỉ đồng, vượt 13% kế hoạch. Do kết quả kinh doanh khả quan nên năm 2021 tiền lương và thu nhập của toàn VRG đều tăng, thu nhập bình quân toàn tập đoàn đạt hơn 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với năm 2020 cho hơn 84.000 lao động. Năm 2022, VRG định hướng chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 30.000 tỉ đồng và lợi nhuận hợp nhất 6.300 tỉ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo VRG kiến nghị Chính phủ và các bộ – ngành xem xét việc doanh nghiệp (DN) không phải nộp tiền thuê đất khi tái canh vườn cao su vì giai đoạn này không có nguồn thu, nếu phải trả tiền thuê đất sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của cao su Việt Nam. Ngoài ra, xem xét chấp nhận gỗ cao su là sản phẩm chính của cây cao su quy định tại quy trình kỹ thuật cây cao su thay vì xem như tài sản cố định, khi thanh lý phải đấu giá rất phức tạp.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, đánh giá cao những nỗ lực của VRG trong thực hiện nhiệm vụ kép trong năm qua. "Năm 2022 tiếp tục dự báo có nhiều khó khăn do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, những thay đổi bất lợi về thời tiết, giá cả cao su tuy có dấu hiệu tăng trở lại nhưng chưa ổn định…, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tập đoàn và các đơn vị thành viên trong quá trình thực hiện tất cả nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các cấp, các DN, ngành nghề đều cần cố gắng có sự tăng trưởng trong kết quả hoạt động sản xuất. Do đó, ngay từ bây giờ, VRG phải bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch, các phương án và giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, bảo đảm mức tăng trưởng chung khoảng từ 5% trở lên so với năm 2021 về doanh thu, lợi nhuận và các chỉ tiêu khác của VRG.
VRG là tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam với mức vốn điều lệ 40.000 tỉ đồng (nhà nước chiếm 96,77%) với 5 ngành nghề chính là: trồng, chăm sóc, khai thác chế biến mủ cao su, khai thác gỗ củi cao su; sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao su; đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su; sản phẩm công nghiệp cao su và chuyển đổi đất trồng cao su để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngọc Ánh (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)