Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kiến nghị ngừng tuyển sinh với ĐH Văn Hiến

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 12 năm thành lập, mọi hoạt động về ngành nghề đào tạo, quy mô và loại hình đào tạo… của Trường ĐH dân lập Văn Hiến đều được mở rộng. Nhưng, 4 địa điểm là cơ sở đào tạo của trường đều đi thuê, trường chưa có mặt bằng. Chưa hết, kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT còn “phanh phui” nhiều thiếu sót trong quá trình hoạt động. 
Phạt tuyển vượt chỉ tiêu nhưng vẫn… phạm 
Theo nội dung kết luận thanh tra, ĐH dân lập Văn Hiến đã có nhiều cố gắng, chủ động chấn chỉnh nhiều hoạt động về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, quá trình hoạt động còn nhiều thiếu sót.
Cụ thể, dù mùa tuyển sinh năm 2007 đã bị phạt hành chính do tuyển vượt chỉ tiêu được giao, nhưng năm 2008, trường tiếp tục “xé rào”. Trong khi chỉ tiêu tuyển mới đào tạo ĐH chỉ được tuyển 1.200 thì trường đã tuyển 1.244 thí sinh, vượt 3,6%.
Ở bậc CĐ, trường chỉ được giao tuyển mới 400 chỉ tiêu nhưng trường đã tuyển 784 thí sinh, vượt 96%.  
Thậm chí, Bộ GD-ĐT phê duyệt 500 chỉ tiêu vừa học vừa làm nhưng trường không triển khai tuyển sinh.
Việc tuyển sinh TCCN có nhiều sai phạm: không thực hiện đúng quy trình, thông báo tuyển sinh đồng thời định điểm xét tuyển luôn cho từng ngành không căn cứ vào hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, hồ sơ tuyển sinh còn nhiều sai sót…
Tại thời điểm thanh tra, hiệu trưởng chưa có văn bản quy định về việc ra đề thi, chấm thi hết học phần, thi tốt nghiệp và quản lý đào tạo theo các quy định hiện hành. Công tác quản lý đào tạo chủ yếu giao cho các khoa, chưa có sự kiểm tra, giám sát của nhà trường.
Ở khoa TCCN chưa có giáo trình, bài giảng của các học phần, tự giáo viên lựa chọn giáo trình giảng dạy, chưa thực hiện đúng quy định trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh…
Giảng viên chỉ đảm nhận được 1/5 công việc giảng dạy
Không chỉ có sai phạm trong tuyển sinh, kết luận thanh tra của Bộ còn chỉ ra nhiều “lỗ hổng” trong tổ chức, tuyển dụng và sử dụng cán bộ, giảng viên của trường…
Đến nay, sau 12 năm thành lập, Trường ĐH dân lập Văn Hiến có 5 phòng, 10 khoa, 1 tổ bộ môn và 3 trung tâm. Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, chưa có phòng thanh tra, chưa có cán bộ phụ trách thanh tra.
Số giảng viên cơ hữu theo bảng lương hàng tháng tại các khoa như sau: Khoa Ngữ văn 5, Khoa Xã hội học 7, Khoa Du lịch 5, Khoa Kinh tế 2, Khoa Điện tử viễn thông 3, Khoa Tâm lý 3, Khoa CNTT 4, Khoa TCCN 21, môn chung 1.
Theo Chánh thanh tra Giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Chiến, số giảng viên của trường đạt tỷ lệ thấp (trên 20% trong tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên và chỉ đảm nhận được 1/5 đến 1/6 công việc giảng dạy trong nhà trường ở bậc ĐH, CĐ).
Có ngành (ngành đào tạo ngoại ngữ) không có giảng viên cơ hữu. Một số môn chung không có giảng viên cơ hữu như: Giáo dục pháp luật, Giáo dục thể chất. Trong khi đó, số cán bộ nhân viên chiếm tỷ lệ cao: trường có 58 người là nhân viên, 12 trưởng phó khoa, nhân viên các khoa có 26 người…
Bên cạnh đó, trường đã bố trí sử dụng cán bộ biên chế nhà nước làm cán bộ quản lý không đúng quy định. Số cán bộ trong biên chế nhà nước làm trưởng, phó khoa tại trường là 9 người. 3 người đương chức trưởng, phó khoa, còn lại đều là cán bộ đã nghỉ hưu có độ tuổi cao nhất là 78 (sinh năm 1931), thấp nhất là 63 tuổi (sinh năm 1946).
Thu nhập cao nhất là 18,6 triệu đồng/tháng
Theo kết luận của Thanh tra Giáo dục, trường đã có nhiều văn bản quy định việc thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên, giảng viên như: quyết định trợ cấp trượt giá; quyết định phụ cấp ăn trưa; phụ cấp bằng ĐH; phụ cấp nghiệp vụ…
Về cơ bản, lương và các khoản ngoài lương của cán bộ, nhân viên, giảng viên đảm bảo đời sống. Người hưởng thu nhập cao nhất là 18,6 đồng/tháng, thấp nhất là 2,6 triệu đồng/tháng.
Số người có thu nhập từ 5 triệu đến trên 18 triệu đồng/tháng có 84 người.
Điều đáng nói, về thu nhập đảm bảo đời sống nhưng sự cống hiến trong công việc thì chỉ đảm nhận được 1/5 – 1/6 khối lượng công việc giảng dạy ĐH, CĐ?
Vẫn theo ông Chiến, về tổ chức cán bộ của Trường ĐH dân lập Văn Hiến có nhiều bất hợp lý, mất cân đối về xếp ngạch, lương và cơ cấu nhân sự…
Cùng với đó, quy chế tổ chức hoạt động của trường trong tình trạng “5 chưa”: chưa được điều chỉnh, bổ sung; chưa có quy chế chi tiêu nội bộ; chưa xây dựng được kế hoạch, quy hoạch cơ cấu đội ngũ phù hợp; thực hiện chế độ lương, ngạch lương chưa đúng; đồng thời, chưa quan tâm đến công tác bổ sung đội ngũ giảng viên để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ…
Trước những thiếu sót nêu trên, đoàn thanh tra kiến nghị, Bộ GD-ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm của nhà trường trong tổ chức cán bộ, quản lý đào tạo và cơ sở vật chất để đảm bảo hiệu quả đào tạo.
Bộ cần xem xét việc cho phép trường mở thêm ngành đào tạo, chỉ tiêu đào tạo phù hợp với đội ngũ, cơ sở vật chất của trường.
Đồng thời, xem xét cho trường tạm ngừng tuyển sinh trong một vài năm tới để chấn chỉnh toàn bộ hoạt động đào tạo…
Kiều Oanh (Vietnamnet) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)