Hiện nay còn 11 phường, xã trên địa bàn TPHCM chưa có trường MN công lập, chính sách quản lý các trường, nhóm lớp ngoài công lập còn nhiều hạn chế. Việc xây trường MN tại các KCX, KCN chưa theo kịp nhu cầu… Đó là nội dung vừa được bàn thảo tại buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội với UBND TPHCM về thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục MN ngày 18-8.
Trường Mầm non Việt Đức (quận Bình Tân, TPHCM) nhận giữ trẻ cho con công nhân làm việc tại Công ty Pou Yuen. Ảnh: HỒ THU
Dành nhiều ưu đãi về đầu tư
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, năm học 2014 – 2015, TP có tổng cộng 912 trường MN công lập và ngoài công lập, tăng thêm 85 trường so với năm học 2013 – 2014. “Đây là con số rất lớn so với tổng số 14.127 trường MN trên cả nước, trong đó chỉ có 91 trường đạt chuẩn quốc gia do gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất”, bà Thanh cho biết. Bên cạnh đó, do đặc thù của TP là tốc độ gia tăng dân số quá lớn nên dù đã dành nhiều chính sách ưu đãi, từ năm 2008 đến nay UBND TP đã phê duyệt 14 dự án xây mới trường MN với tổng vốn vay hơn 399 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gởi con của người dân.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết: “Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, dân số TP đã tăng thêm 1 triệu dân, bình quân mỗi năm tăng thêm tương đương dân số của một quận. Năm nào vấn đề đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả trẻ em trên địa bàn cũng làm đau đầu các nhà quản lý”. Mặc dù mỗi năm ngân sách TP đã chi hơn 5.000 tỷ đồng xây mới hơn 1.500 phòng học nhưng chưa giảm được áp lực sĩ số. Nhiều điểm trường học hiện nay có quy mô nhỏ hẹp do không thể cải tạo vượt độ cao, phải sử dụng giải pháp tình thế là xây dựng trường liên phường, giải quyết tạm thời bài toán đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ.
Giáo dục MN là một trong những lĩnh vực được TP ưu tiên phát triển. Nhiều dự án xây trường theo chương trình kích cầu, không phân biệt công lập hay ngoài công lập đều được áp dụng mức cho vay 70% tổng vốn đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư có trách nhiệm thanh toán nợ gốc thời hạn 5 – 7 năm, phần lãi suất sẽ được ngân sách TP chi trả.
Mới đây, Nghị quyết 01/2014 do UBND TP ban hành còn cho phép các chủ đầu tư kéo dài thời hạn trả lãi vay lên 10 năm, tối đa 15 năm đối với các dự án xây trường có quy mô lớn; miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các dự án trường học theo hình thức xã hội hóa. Riêng đối với các dự án xây trường trong các KCX-KCN, TP đã cho phép điều chỉnh một phần diện tích đất công viên cây xanh để xây dựng trường, tạo điều kiện cho người lao động làm việc ở đâu có thể gởi con ở đó.
Đẩy mạnh các dự án xã hội hóa
Tuy dành nhiều chính sách ưu đãi cho giáo dục nói chung, giáo dục MN nói riêng nhưng đồng chí Hứa Ngọc Thuận cũng bày tỏ: “Nếu không chủ động tháo bỏ nhiều quy định về mặt cơ chế, TP sẽ không hoàn thành các nhiệm vụ được giao”. Mở đầu cho việc chủ động tháo bỏ này là thay đổi hoàn toàn cái nhìn về cơ chế đầu tư cho giáo dục. Không thể xem các đơn vị đầu tư là những công ty thương mại với các yêu cầu về nộp thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thay vào đó cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi để đẩy mạnh các dự án xã hội hóa.
Do đó, UBND TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh các chính sách pháp luật liên quan đến trường MN, trong đó có quy định về việc miễn, giảm thuế, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Nhìn nhận vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch đánh giá rất cao những đổi mới về mặt chủ trương, chính sách mà TPHCM đã và đang thực hiện như tự bố trí kinh phí, quy định thêm định biên nhân viên chăm sóc, bảo đảm tất cả trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường. “Trong thời gian chờ đợi sự đổi mới toàn diện từ Trung ương, đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận để các địa phương khác học hỏi”, ông Trịnh Ngọc Thạch khẳng định.
Trước băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Đề án thí điểm giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi, dù đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhưng vẫn chưa nhận đủ học sinh, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay mới là giai đoạn đầu của lộ trình thực hiện đề án thí điểm nên chưa thể đánh giá toàn diện nguyên nhân.
THU TÂM (SGGP)
Bình luận (0)