Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kiến nghị nhiều nội dung về thực hiện Chương trình GDPT 2018

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là nội dung được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nêu ra trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH TP.HCM về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022.


TP.HCM kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến thực hiện Chương trình GDPT 2018

Khó khăn khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ, Chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số các lớp đông nên giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy và bao quát học sinh.

Cơ sở vật chất chưa đồng bộ để đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới, còn một số trường có diện tích nhỏ hẹp; trường thuộc vùng ven hoặc vùng áp lực dân nhập cư như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Q.12 còn thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng, do tất cả phòng ốc đều tập trung cho việc học của học sinh. Một số trường tiểu học thiếu phòng máy cho học sinh học tin học theo chương trình bắt buộc và sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Cạnh đó, một số ít cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học của con em mình, còn tư tưởng giao khoán việc học cho giáo viên và nhà trường; Giai đoạn dạy học trực tuyển khá dài, một số học sinh không có thiết bị học tập, thời gian tương tác giữa giáo viên và học sinh ít, làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 1, giáo viên cần có thêm thời gian để giúp đỡ cho các em khi đi học trực tiếp trở lại. Việc học trực tuyến một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến tâm lý và kỹ năng sống của học sinh.

Nhiều trường có số lượng học sinh học hòa nhập khá đông, có nhiều học sinh khó khăn trong tiếp thu bài, phần nào ảnh hưởng chung đến các học sinh khác trong lớp. Việc tuyển dụng giáo viên cho năm học 2021-2022 thực hiện chậm dẫn đến một số trường thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và tin học – công nghệ, nghệ thuật. Tỉ lệ giáo viên lớp chưa đáp ứng đủ theo quy định đối với loại hình dạy học 2 buổi/ngày.

Lý giải những tồn tại trên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho hay xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, quận huyện chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày là do khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân; dân số cơ học tăng cao.

Nhận thức của một bộ phận cha mẹ học sinh chưa thật sự quan tâm trọng việc đổi mới giáo dục, tác động nặng nề từ dịch bệnh. Tình trạng di dân vào TP.HCM ngày càng tăng, dẫn đến sĩ số học sinh bình quân trên lớp luôn cao. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, thiếu giáo viên các môn chuyên như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục; Cơ chế tập trung đấu thầu ảnh hưởng tiến độ thực hiện mua sắm thiết bị máy tính.

"Nghị định 101/2018 của Chính phủ quy định không thực hiện kí hợp đồng lao động đối với những người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị khi không tuyển dụng được GV, do GV nghỉ hưu, nghỉ việc đột xuất vẫn không được kí hợp đồng với vị trí việc làm đã được quy định như trên, không đáp ứng nguồn giáo viên thực hiện GDPT 2018" ông Quốc bổ sung.

TP.HCM đặt ra nhiều kiến nghị, đề xuất

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho hay, để khắc phục những khó khăn trên, năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TP tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục, xây dựng kế hoạch chiến lược và kế hoạch giáo dục nhà trưởng theo hướng chủ động, linh hoạt; Tiếp tục tham mưu UBND TP thực hiện xây dựng trường tiểu học mới, sửa chữa các công trình trường học đúng tiến độ; mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, máy tính, thiết bị dạy học.

Đồng thời tham mưu việc tuyển dụng giáo viên đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu; thực hiện công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ quản lý, rà soát đội ngũ giáo viên để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các trường; Chủ động liên kết với ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn… mở các lớp bồi dưỡng các mô đun; Từng nhà trường chủ động phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt tập trung các điều kiện đảm bảo dạy học. Xây dựng ngân hàng máy tính, thiết bị dạy học dùng chung để bảo đảm điều kiện tổ chức dạy tiếng Anh, tin học; Xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; Xây dựng phương án phối hợp dịch vụ để tổ chức dạy học tiếng Anh, tin học; Rà soát, xác định lộ trình cụ thể để bố trí đủ giáo viên (tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phải, điều chuyển cấp THCS); chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên thông qua hình thức đào tạo mới, đào tạo liên thông…


Khó khăn lớn nhất của TP.HCM là áp lực về sĩ số học sinh, trường lớp chưa đáp ứng đủ

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn kiến nghị Bộ GD-ĐT han hành hướng dẫn in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương cho các tỉnh thành. Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn 3791 ngày 24-12-2021 xin ý kiến chỉ đạo về phương án tổ chức thực hiện in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương nhưng chưa được phản hồi.

Đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình.

Đối với HĐND, UBND TP.HCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc kiến nghị ban hành NQ ban hành danh mục các khoản thu dịch vụ giáo dục; Tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình ở những năm học tiến theo; Tăng cường kinh phí trang bị nhiều hơn các trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy học, có kế hoạch đầu tư trang bị, nâng cấp phỏng máy tính để chuẩn bị dạy tin học cho học sinh tiểu học theo CTGDPT 2018. Xây dựng thêm trường lớp, đẩy nhanh các dự án xây dựng trường học để làm giảm áp lực sĩ số học sinh/lớp.

Yến Hoa

Bình luận (0)