Bộ GD-ĐT cần sớm sửa đổi Thông tư số 16 năm 2017 về ban hành danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) công lập phù hợp với các môn học/hoạt động giáo dục đặc thù của từng cấp học, đáp ứng yêu cầu biên chế chương trình GDPT 2018. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến giáo viên (GV) các môn tiếng Anh, tin học, công nghệ, nhạc, họa, mĩ thuật.
Giáo viên tin học chưa đáp ứng đủ số lượng để tổ chức dạy học chương trình GDPT 2018 (hình minh họa)
Kiến nghị này được Sở GD-ĐT TP.HCM đề cập khi thông tin báo chí về tình hình triển khai chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa (SGK) lớp 1 tại TP.HCM vào ngày 30-10.
Năm học 2020-2021, TP.HCM có 560 trường tiểu học ở tất cả các loại hình, trong đó 78 trường đạt chuẩn Quốc gia (tỉ lệ 13,9%); tỉ lệ trung bình trường tiểu học/phường-xã gần 2 trường, nhiều trường tiểu học có 2 đến 3 điểm trường.
Tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 74,6%; có 16.807 lớp học/15.790 phòng học, tỉ lệ phòng học trung bình chung là 0,94, nên một số đơn vị chưa đáp ứng đủ số phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP, Sở GD-ĐT đã chủ trì tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDPT tại từng quận-huyện; điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, SGK.
Về đội ngũ cán bộ quản lí và GV tiểu học hiện nay tương đối đủ về số lượng, thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu các công việc được phân công. Toàn TP có 22.114 GV, trong đó có 16.862 GV tiểu học dạy nhiều môn.
Riêng lớp 1 năm học 2020-2021, có 3.734 GV lớp 1/3.626 lớp, đảm bảo đủ số lượng GD dạy học. Số GV đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đạt 83%.
Tuy nhiên, tỉ lệ GV tiểu học dạy nhiều môn/lớp là 1,0 hiện chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học. Dự báo có thể thiếu GV bộ môn ở một số trường tiểu học, nhất là GV Anh văn, Tin học, Công nghệ.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm sửa đổi Thông tư số 16 năm 2017 về ban hành danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở GDPT công lập phù hợp với các môn học/hoạt động giáo dục đặc thù của từng cấp học, đáp ứng yêu cầu biên chế chương trình GDPT 2018. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến GV các môn tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nhạc, Họa, Mĩ thuật,…
Về phía Sở GD-ĐT, đã tham mưu UBND TP phê duyệt Đề án tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình GDPT 2018 và bồi dưỡng GV dạy các môn tin học, công nghệ, lịch sử, địa lí, khoa học tự nhiên cho cán bộ quản lý và GV. Đó là cơ sở để ngành giáo dục phối hợp đào tạo, bồi dưỡng GV đạt chuẩn, trên chuẩn và GV các bộ môn đặc thù, bắt buộc như tiếng Anh, Tin học và Công nghệ, bổ sung thêm GV Âm nhạc, Mĩ thuật, khắc phục tình trạng thiếu, thừa GV cục bộ.
Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các quận-huyện rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV tiểu học ở từng môn học, chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ và phối hợp với các cơ sở đào tạo GV tổ chức đào tạo, bồi dưỡng GV để thực hiện chương trình GDPT 2018 và SGK mới; nhất là các môn tin học và công nghệ, ngoại ngữ,… là môn bắt buộc, phù hợp với yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Và tham mưu UBND các quận-huyện kế hoạch tuyển bổ sung, sử dụng và phân công hợp lý GV hiện có.
Bên cạnh kiến nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi Thông tư 16, Sở GD-ĐT còn kiến nghị Trung ương điều chỉnh Thông tư số 36 năm 2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lí, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có quy định không chi kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức. Trước yêu cầu mới của chương trình GDPT 2018, nhất là đối với các trường tiểu học không thu học phí, việc nhà trường tự cân đối nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp để hỗ trợ việc tập huấn bồi dưỡng GV là không phù hợp. Ngoài ra, việc bồi dưỡng lí luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho GV sau này cũng sẽ rất khó khăn.
Sở GD-ĐT cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai chương trình GDPT 2018. Cần hướng dẫn rõ quy định về thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí các tiết dạy cho phù hợp giữa các buổi và tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ học chính thức; xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận khi thực hiện xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.
Theo Sở GD-ĐT, để triển khai chương trình GDPT 2018, TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình. Qua đó, đã triển khai các kế hoạch, văn bản hướng dẫn đến từng quận-huyện và chỉ đạo tổ chức hội nghị ở cấp quận-huyện nhằm triển khai đầy đủ đến từng cơ sở GDPT, nhất là ở cấp tiểu học.
Từ cuối năm học 2019 – 2020, Sở GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cũng như lồng ghép nội dung kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 và SGK mới tại các quận-huyện, các cơ sở giáo dục. Đầu năm học, Sở GD-ĐT tiếp tục tổ chức kiểm tra trực tiếp tại 4 quận-huyện về công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ để thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, làm cơ sở rút kinh nghiệm và chỉ đạo chung trong toàn ngành.
N.Trinh
Bình luận (0)