Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ngày 28-7, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường của TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh.
Kiến nghị nhiều vấn đề cấp bách
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố kiến nghị 16 nội dung về đất đai với 9 nhóm vấn đề, 3 nội dung về môi trường.
Cụ thể, về nhóm kiến nghị trong công tác quản lý đất đai, TP đề xuất bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Thay vào đó, căn cứ quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.
Theo UBND TPHCM, tại TPHCM hiện có nhiều dự án bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình, đã được nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, đã bán nhà và người dân đã vào ở, sinh sống ổn định, nhưng chưa phê duyệt giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, chưa cấp được giấy chứng nhận cho người dân.
Điều này dẫn tới chưa thu, nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, tăng gánh nặng trả lãi vay ngân hàng của doanh nghiệp và khiếu nại, khiếu kiện của người dân do chưa được cấp giấy chứng nhận về nhà, đất;…
TP kiến nghị Bộ TN-MT xem xét, trình Thủ tướng cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất từ đất có nguồn gốc của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, được tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo đúng giá thị trường để thu nộp ngân sách nhà nước. TPHCM cũng nêu một loạt kiến nghị khác cần tháo gỡ về quản lý đất đai như vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Với lĩnh vực môi trường, TPHCM kiến nghị cho phép áp dụng hình thức xử phạt môi trường thông qua hình ảnh camera. Còn với những doanh nghiệp vi phạm môi trường cho áp dụng biện pháp bổ sung là cắt điện, nước công đoạn sản xuất phát sinh ô nhiễm.
Dồn nguồn lực tín chỉ carbon cho thành phố
Ông Vũ Sỹ Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho biết, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cho phép đối tượng là người dân, hộ gia đình chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cần căn cứ có kế hoạch quy hoạch sử dụng đất. Đây là hướng mở trong thời gian tới. Còn các dự án nhà ở vẫn phải tuân theo quy định có kế hoạch sử dụng đất.
Riêng những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa không có phương án sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do vậy, bộ sẽ phối hợp với bộ ngành trung ương để trình Chính phủ xem xét. Người sử dụng đất sẽ được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhà nước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị liên quan ghi nhận những đề xuất của TPHCM và có trả lời rõ từng vấn đề. Ngoài ra, tập hợp các kiến nghị trên làm cơ sở để đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cho phù hợp.
Bộ trưởng cũng đề nghị TPHCM phải tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, hạn chế tối đa điều chỉnh. Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quận, huyện vẫn cần phải duy trì, tránh gây xáo trộn đời sống người dân. Quy hoạch xây dựng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu để giảm nguy cơ thiệt hại kinh tế do ngập úng, rà soát và sớm đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải tập trung đối với khu dân cư cũ.
Về xử lý rác thải, TP có đủ nguồn lực, tiềm lực, công nghệ để thực hiện nên cần quan tâm đầu tư nhà máy xử lý rác công suất lớn để đảm bảo xử lý lượng rác thải phát sinh nhiều và nhanh như hiện nay. Đặc biệt, TP nhanh chóng rà soát nguồn kết hợp kiểm kê khí thải nhà kính. Đây là cơ sở để TP xây dựng phương án giảm phát thải khí nhà kính và bộ sẽ hỗ trợ dồn nguồn lực tín chỉ carbon cho TPHCM.
Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, những kiến nghị của thành phố đều liên quan đến luật, kiến nghị bộ sớm xem xét đưa vào dự thảo Luật Đất đai mới. Riêng phương pháp đánh giá đất, bộ cần xem xét đến thực tiễn hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với đặc thù của thành phố.
Còn những đề nghị của bộ liên quan đến vấn đề đầu tư hệ thống quan trắc, kiểm soát khí thải, nước thải, rác thải…, TP sẽ tăng cường rà soát và sớm ban hành chính sách phù hợp để đẩy nhanh đầu tư. Trong thời gian tới TPHCM sẽ ban hành chiến lược chuyển đổi xanh và có chính sách phù hợp cho lộ trình thực hiện.
 
TRÀ GIANG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)