Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bao gồm 4 môn thi trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn với lý do giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho phụ huynh và xã hội.
Phương án này được Bộ GD&ĐT nêu tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, ngày 14/11.
Không nghiên cứu kĩ sẽ tự cầm gạch đập vào chân?
Thầy Ngô Xuân Quỳnh, giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho rằng, Bộ Giáo dục kiến nghị thi tốt nghiệp 2025 với hai môn bắt buộc, nhiều người đồng tình nhưng cá nhân ông thấy còn nhiều băn khoăn.
Bởi lẽ, theo thầy Quỳnh, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nào cũng đạt 96-99% trên cả nước cho thấy môn tiếng anh cũng không có gì là áp lực. Với việc thi vào 10 các tỉnh đại đa số là toán, văn và tiếng Anh.
“Với học sinh cấp 3, môn ngoại ngữ không thi nữa thì sẽ có những điều gì sẽ xảy ra, những tác động sẽ như thế nào trong 5 đến 20 năm tới. Bộ GD&ĐT đã có những đề án nghiên cứu đến những tác động của việc thi vào cấp 3 khi chỉ thi toán, văn và tiếng anh đến xã hội chưa?”- Thầy Quỳnh đặt vấn đề.
Thầy Quỳnh cho rằng, nếu môn ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc thì chắc chắn nhiều học sinh sẽ chọn các môn khoa học tự nhiên. Động lực cho học sinh cả nước “xoá mù” tiếng Anh để hội nhập rồi sẽ như thế nào?
“Ai cũng nói tiếng Anh chỉ là 1 công cụ nhưng nếu không thi, rất nhiều học sinh sẽ vì cái lười trước mắt mà vứt luôn công cụ đó đi, sau hối hận không”- thầy Quỳnh nói.
Nêu ý kiến về vấn đề này, TS.Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Bộ GD&ĐT nên có nghiên cứu kĩ về việc nếu bỏ bớt các môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT.
Ông Vinh cho rằng, nếu bỏ môn ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc sẽ khiến học sinh không học.
“Trong bối cảnh ở giáo dục Việt Nam có văn hóa không thi thì không học. Trong khi đó cách đánh giá quá trình học của học sinh hiện nay lại không ổn, không thực hiện một cách nghiêm túc. Vì thế, việc môn ngoại ngữ không là môn bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp như trước học sinh sẽ không học”- ông Vinh nói.
Mặt khác, theo ông Vinh, trong thế giới hội nhập, ai cũng biết tầm quan trọng của ngoại ngữ để giao thương kinh tế, phục vụ học thuật, trao đổi lao động. Tiếng Anh là công cụ để học sinh, sinh viên bước vào chân trời tri thức, giờ bỏ đi thì có tác động đến ngay cả người học.
"Anh không rèn luyện đối mặt với thách thức thì sau có khó khăn thì khó có thể vượt qua được. Ở mình cứ kêu giảm tải, cứ kêu học khó, khổ chỉ mong cắt bỏ bớt"- ông Vinh nói.
Nên thay đổi cách thi, cách đánh giá
TS.Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nên chăng thay đổi quy trình dạy học, dạy ngoại ngữ thay vì bỏ là môn thi bắt buộc như hiện nay. Vì thực tế, người ta đã có nghiên cứu tác động của tiếng Anh với tăng trưởng kinh tế.
“Giờ nếu bỏ môn ngoại ngữ là môn bắt buộc thì sẽ đánh mất tính hệ thống. Nói về ngoại ngữ có lợi ích thì ai cũng biết nhưng do ở nước mình không thi thì học sinh sẽ không học. Giờ phải tìm giải pháp thế nào để người ta học như việc thầy cô giáo phải được bồi dưỡng để học sinh có hứng thú học thay vì loại bỏ”- ông Vinh nêu quan điểm
Vì thế, theo ông Vinh, phải thay đổi cách học và cách thi. Việc đánh giá thì phải cả quá trình. Dù thi tốt nghiệp nhưng phải đánh giá rất nghiêm túc từ hồi lớp 1. Và nên nhìn nhận thi tốt nghiệp là đánh giá đúng kết quả học tập, rèn luyện theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, trách nhiệm giải trình của hệ thống giáo dục của thầy cô, nhà trường.
“Hiện tại chưa có một nghiên cứu để đánh giá những ưu nhược điểm của việc bỏ môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc kì thi tốt nghiệp mà đã đề xuất bỏ thì đúng chúng ta không có triết lý gì trong giáo dục cả. Sao lại bỏ bớt các môn đi thì còn hướng nghiệp gì nữa. Chỉ thi môn toán, văn và 2 môn tự chọn thì các học sinh đâu có nhiều cơ hội trong việc định hướng ngành nghề. Nếu chúng ta muốn giảm tải, làm nhẹ được thì phải có đánh giá tác động trước đó. Việc đánh giá Bộ GD&ĐT ít làm, cứ theo chính sách dân túy, thấy người dân kêu ca thì lại thay đổi”- ông Vinh nêu quan điểm.
Ông Vinh đề xuất, trong thời gian tới nên ghép thi tốt nghiệp và dùng kết quả xét vào đại học như Trung Quốc đang tiến hành, học sinh không học lệch mà tiết kiệm cho quốc gia.
“Giá mà ở Việt Nam, học sinh học gì thi nấy và được đánh giá một nghiêm túc thì tốt nhất. Ở mình không thi thì sẽ không có chuyện học. Còn nếu bỏ môn ngoại ngữ là môn bắt buộc học sinh sẽ chỉ chọn các môn thi chỉ để vào đại học, sẽ lại xuất hiện luyện thi các môn”- ông Vinh nêu quan điểm.
Cũng theo ông Vinh, hiện tại môn tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung có sự chênh lệch chất lượng vùng miền. Chả lẽ cứ để các vùng trũng tiếng Anh trũng nữa? Bao giờ học sinh mọi miền được hưởng dịch vụ giáo dục có chất lượng?
"Rõ ràng ở Việt Nam cần có chiến lực bồi dưỡng cho giáo viên vùng sâu, vùng xa về năng lực tiếng Anh để đảm bảo mọi người đều hưởng công bằng về giáo dục, đừng để chênh lệch quá. Giờ bỏ thi bắt buộc tiếng Anh thì mãi mãi không phát triển được tiếng Anh. Điều này tác động xã hội nhìn thấy ngay"- ông Vinh nói.
Bộ GD&ĐT cho biết đã lấy ý kiến rộng rãi về ba phương án thi. Trong đó, phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn. Phương án 3 là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn tự chọn. Kết quả, đa số chọn phương án hai hoặc ba môn bắt buộc. Cụ thể, khi khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên về phương án 2 và 3, gần 74% chọn phương án 2 – thi ba môn bắt buộc. Sau đó, Bộ khảo sát thêm khoảng 18.000 cán bộ, giáo viên ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả ba phương án thì 60% chọn phương án 1 (thi hai môn bắt buộc). |
Theo Đỗ Hợp/TPO
Bình luận (0)