Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kiến nghị thu hồi giấy phép các mỏ khoáng sản có vi phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 12-3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại dự án đầu tư khu dân cư Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM (do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Thịnh làm chủ đầu tư) và kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ TN-MT.
Hàng loạt sai phạm tại dự án đầu tư khu dân cư Bà Điểm
Về dự án đầu tư khu dân cư Bà Điểm, TTCP cho rằng trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chủ đầu tư (Công ty An Thịnh) và UBND huyện Hóc Môn đã sử dụng báo cáo đầu tư dự án chưa thẩm định để trình cơ quan chức năng xin đầu tư dự án. Chủ đầu tư cũng vi phạm quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình như không có báo cáo thẩm tra, không có thiết kế bản vẽ thi công, không nghiệm thu hồ sơ thiết kế… dẫn đến thiếu căn cứ để đánh giá chất lượng hồ sơ thiết kế; triển khai thi công; xác định chất lượng, khối lượng, giá trị dự toán công trình và kết quả nghiệm thu, thanh quyết toán.
Về việc thực hiện đầu tư, chủ đầu tư vi phạm Luật Xây dựng khi giao cho Công ty Việt Tâm thi công hạng mục xây dựng mới đường dây trung thế và trạm biến thế 4x560KVA 15-22/0,4KV không đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh… Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn giám sát thực hiện chưa đúng quy định của nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng dẫn đến thiếu căn cứ để nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu về chất lượng và khối lượng đã thi công. Do đó, khối lượng thi công công trình hạ tầng khu dân cư Bà Điểm được nghiệm thu với giá trị hơn 30 tỷ đồng và chủ đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho Công ty Việt Tâm là thiếu căn cứ, không chính xác. Chủ đầu tư và Công ty Việt Tâm ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh khối lượng và giá trị hợp đồng tăng hơn 24 tỷ đồng không đủ căn cứ. Đặc biệt, chủ đầu tư cho thi công các hạng mục công trình trước khi dự án được phê duyệt, không có thiết kế bản vẽ thi công.
TTCP cũng nêu, việc huy động, góp vốn và kinh doanh dự án, chủ đầu tư đã vi phạm Luật Nhà ở khi ký hợp đồng huy động góp vốn đầu tư của khách hàng với giá trị của hợp đồng hơn 107 tỷ đồng, trong khi UBND TPHCM chưa có quyết định giao đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời hạ tầng của dự án chưa được khởi công.
TTCP cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác quản trị hoạt động kinh doanh của hội đồng quản trị, ban giám đốc và đội ngũ quản lý của Công ty An Thịnh. Điều này dẫn đến Công ty An Thịnh không lập phương án giá (122/262 nền đất ký hợp đồng góp vốn đơn giá thấp hơn giá công ty thông báo với số tiền chênh lệch giảm 11,736 tỷ đồng); chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai dự án có nhiều đơn thư tố cáo chủ đầu tư.
Từ kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng Công ty Xây dựng số 1 thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến các thiếu sót, vi phạm theo kết quả thanh tra đối với người được giao đại diện phần lớn vốn nhà nước tại Công ty An Thịnh. Đối với UBND TPHCM, chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn nghiêm túc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong việc ký tên, đóng dấu vào báo cáo khả thi dự án khi chưa được thẩm định. Chỉ đạo Sở Xây dựng nghiêm túc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về quản lý dự án đầu tư, quản lý chất lượng công trình, khi để Công ty An Thịnh vi phạm các quy định trong quản lý dự án đầu tư, công trình; thành lập hội đồng nghiệm thu trước khi nhận bàn giao hạ tầng khu dân cư Bà Điểm để thành phố quản lý khai thác.
TTCP cũng đề nghị xử lý về kinh tế, yêu cầu Công ty An Thịnh nộp ngân sách nhà nước các khoản thuế với giá trị là hơn 2 tỷ đồng; nộp số tiền phạt vi phạm hành chính số tiền 120 triệu đồng.
Nhiều yếu kém trong quản lý khai thác khoáng sản
Cùng ngày, TTCP cũng công bố kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ TN-MT. TTCP cho rằng, từ năm 2009 đến 2013, đặc biệt là sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 được ban hành, Bộ TN-MT đã tham mưu, đề xuất, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, tiến độ ban hành văn bản còn chậm, nhiều nội dung chưa phù hợp. Chưa xây dựng được cơ chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho khai thác khoáng sản, bảo đảm mục tiêu chế biến sâu, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Đối với nhiệm vụ khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản thì TTCP cho rằng Bộ TN-MT làm còn chậm, ảnh hưởng đến hoạt động cấp phép, nguồn thu… Điều này dẫn đến thực trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra phổ biến trên nhiều tỉnh, thành. TTCP cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp khoáng sản vi phạm.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý khoáng sản đối với các sở, ban ngành cũng như việc cấp phép, quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông, ven biển, xuất khẩu cát nhiễm mặn. TTCP cũng kiến nghị cần rà soát lại các giấy phép khoáng sản, kiên quyết thu hồi đối với các mỏ có vi phạm; gia hạn hoặc làm thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản đối với giấy phép hết hạn; cấp lại giấy phép khai thác cho các khu vực đã được cấp phép trước Luật Khoáng sản năm 1996. Xử lý 28 doanh nghiệp có vi phạm, khuyết điểm mà TTCP và Tổng cục Địa chất – khoáng sản đã ghi nhận. Cùng với đó, TTCP cũng đưa ra nhiều kiến nghị với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành trong công tác quản lý nhà nước đối với khai thác khoáng sản nhằm khắc phục những yếu kém trong quản lý nhà nước về khoáng sản.

PHAN THẢO

(SGGP)

Bình luận (0)