Đây là ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong năm 2021 – năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Năm 2021 là năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu KT-XH khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới. Song với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP 2021 lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu KT-XH khác.
Riêng TP.HCM, năm 2021 có 20 chỉ tiêu. Trong đó có 6 chỉ tiêu về kinh tế: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) phấn đấu đạt từ 6% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP… Cùng với đó có 6 chỉ tiêu về xã hội; 5 chỉ tiêu về đô thị và môi trường; 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính.
Vậy làm sao để năm 2021 đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020? Trả lời cho câu hỏi này, Báo Giáo dục TP.HCM xuân Tân Sửu 2021 xin trích đăng ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.
+ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng
Chủ đề năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”. Trên tinh thần đó, chúng ta thống nhất định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo. Trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội; tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.
Để phát triển KT-XH ổn định, bền vững thì phải duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững. Không được để lạm phát cao và các cân đối lớn của quốc gia phải được giữ gìn, vun đắp.
Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua.
Cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả.
Cần chú trọng vấn đề phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ, hài hòa các mục tiêu của tam giác phát triển bền vững: kinh tế, xã hội, môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm, không để trường hợp Formosa thứ hai xảy ra. Không để tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng phải trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường để con cháu chúng ta sau này phải gánh chịu…
+ Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành phong: Quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép
TP xác định chủ đề năm 2021 là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Cùng với đó là quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, lĩnh vực. Đồng thời triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần XI có hiệu quả; trong đó, tập trung triển khai đảm bảo tiến độ 49 nội dung, chương trình đề án trong 3 chương trình đột phá về đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa, 1 chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.
TP sẽ đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần 4. Chú trọng thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. TP cũng tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa – xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Năm 2020, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển KT-XH (được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất), bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19. |
Việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2021 sẽ có nhiều khó khăn. Do đó chúng ta phải phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước. Tất cả các ngành, các cấp, các đoàn thể, các doanh nghiệp, hiệp hội tập trung trí tuệ, nêu cao trách nhiệm, quán triệt sâu sắc phương châm hành động của Chính phủ đề ra năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”, cùng nghiên cứu, trao đổi, cho ý kiến về những giải pháp thiết thực, khả thi để TP triển khai thực hiện có hiệu quả cao nhất nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021.
Hòa Triều (ghi)
Bình luận (0)