Lạm phát tiếp tục là vấn đề nóng nhất tại các diễn đàn và kiên trì kiềm chế lạm phát vẫn được thể hiện trong việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Điều đó không chỉ xuất phát từ diễn biến của lạm phát trong thời gian qua, mà còn xuất phát từ những yếu tố ở trong nước và trên thế giới có thể tác động trong thời gian tới.
Dù CPI tháng 8 đã hạ nhiệt nhưng Chính phủ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát.Ảnh: minh họa – Internet |
Tốc độ tăng cao
Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 so với tháng 7 tăng 0,93%. Như vậy, CPI của tháng 8 đã thấp nhất tính từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, mức tăng này vẫnthuộc loại cao so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong 2 năm trước đó (tháng 8 năm 2010 tăng 0,23%, tháng 8 năm 2009 tăng 0,24%) và sau 8 tháng (tức là tháng 8/2011 so với tháng 12/2010) CPI đã tăng 15,68 %, cao hơn nhiều so với các con số tương ứng của 2 năm trước (8 tháng 2009 tăng 3,47%, 8 tháng 2010 tăng 4,78%).
Đó là xét theo thời gian. Nếu xét theo nhóm hàng hóa, dịch vụ, thì hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn có tốc độ tăng cao nhất (tăng 1,35%), nhưng tốc độ tăng của giá lương thực vẫn thấp (0,46%), chỉ bằng một nửa tốc độ tăng chung do vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu được mùa. Trong khi một số loại hàng hóa, dịch vụ có tính chất thời vụ tăng cao hơn trước, như dịch vụ giáo dục do bước vào năm học mới; nhà ở và vật liệu xây dựng do giá xi măng tăng giá chuẩn bị bước vào mùa xây dựng…
Các yếu tố tác động trong thời gian tới
Việc kiềm chế lạm phát được Chính phủ chỉ đạo phải kiên trì thực hiện, nếu không sẽ không thực hiện được chỉ tiêu do Chính phủ đã điều chỉnh. Với tốc độ tăng sau 8 tháng, "dư địa" để thực hiện chỉ tiêu không còn nhiều – 4 tháng cuối năm chỉ còn được tăng 1,14%. Trong khi số liệu thống kê lịch sử về tốc độ tăng trong 4 tháng cuối năm của 20 năm qua (tính từ 1992), chỉ có 2 năm giảm (năm 1999 là năm thiểu phát, cả năm chỉ tăng 0,1%; năm 2008 là năm lạm phát cao, nhưng chủ yếu là tăng trong 8 tháng đầu năm, còn 4 tháng cuối năm tăng thấp và giảm); 5 năm tăng thấp hơn; còn tới 13 năm tăng cao hơn- trong đó có 3 năm tăng khá cao là 1994, 2007 và 2010.
Bình quân tốc độ tăng trong 4 tháng của 2 năm qua là 2,2%; nếu 4 tháng cuối năm nay tăng bằng với mức bình quân đó, thì cả năm sẽ tăng không dưới 18%- một tốc độ tăng thuộc loại cao thứ hai trong 20 năm qua. Nếu không kiềm chế tốt, dự đoán có thể còn tăng cao hơn cả kỷ lục năm 2008 (tăng 19,89%). Điều cảnh báo đó xuất phát từ một số yếu tố ở trong nước và nước ngoài tác động.
Trước hết là "dư địa" của tốc độ tăng dư nợ tín dụng và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán theo "khung" của cả năm (tương ứng là 20% và 14- 16%) đang dồn nhiều vào 4 tháng cuối năm. Yếu tố quan trọng nữa là về tâm lý. Giá vàng tăng theo giá thế giới là bình thường, nhưng mức giá cao hơn thế giới là không bình thường – vừa có yếu tố đầu cơ, làm giá ở trong nước, vừa thể hiện tâm lý lo ngại lạm phát cao phải tìm vàng là nơi trú ẩn của nhiều người dân. Giá vàng bất ổn thường kéo theo sự không ổn định của tỷ giá, cộng hưởng với tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ cao gấp nhiều lần tốc độ tăng tín dụng VND đến kỳ đáo hạn sẽ tạo áp lực tăng tỷ giá. Sự ổn định của giá vàng, của tỷ giá trong nhiều tháng trước nhờ chủ trương và giải pháp chống vàng hóa, đô la hóa trước đây cần được khôi phục nhanh trở lại.
Yếu tố không kém phần quan trọng nữa là nhu cầu đầu tư và tiêu dùng cuối năm thường cao hơn các thời gian khác trong năm. Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch năm nay lại gần nhau. Yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất để giải cứu sản xuất kinh doanh đang đặt ra cấp thiết. Đầu tư công cần được giám sát chặt chẽ, ở một số nơi đạt cao so với kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Theo Đức Minh
Kinh tế & Đô thị
Kinh tế & Đô thị
Bình luận (0)