Chưa đầy một tháng nữa, cùng với hơn 1 triệu thí sinh (TS) cả nước, gần 100 nghìn TS của Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009. Mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực đang được khẩn trương chuẩn bị để kỳ thi đầu tiên trong năm diễn ra suôn sẻ, với mục tiêu đánh giá thực chất chất lượng dạy – học của thầy, trò toàn ngành.
Tổ chức nghiêm túc, không gây căng thẳng
Đó là quan điểm chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban chỉ đạo thi và kiểm tra các kỳ thi TP đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009. Đây là quan điểm được duy trì nhiều năm, song với kỳ thi năm nay – kỳ thi đầu tiên của Hà Nội sau khi mở rộng với số lượng TS lớn nhất nước thì yêu cầu này càng được nhấn mạnh đối với tất cả các khâu.
Ôn tập tốt sẽ giúp thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Ảnh: Nhật Nam
|
Ngay sau khi có thông báo của Bộ GD-ĐT về lịch thi và các văn bản chỉ đạo, Hà Nội đã khẩn trương chuẩn bị tổ chức kỳ thi. Ban chỉ đạo thi của TP được thành lập, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành liên quan, từ phục vụ điện, nước, giao thông, liên lạc, đến bảo đảm sức khỏe, an toàn cho giáo viên (GV), HS… Các văn bản hướng dẫn tới từng vị trí đảm nhiệm công việc lần lượt được ban hành với từng đầu việc cụ thể như tổ chức ôn tập, chuẩn bị hồ sơ, kiểm tra điều kiện dự thi của TS, coi thi, chấm thi…
Năm nay chỉ có một kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, không có kỳ thi lần 2, đòi hỏi HS phải cố gắng vượt bậc để có thể đạt kết quả như mong muốn. Trách nhiệm ấy không chỉ đặt lên vai các em mà cả GV, các nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập cho HS sao cho hiệu quả nhất. Việc phổ biến các nội dung liên quan đến kỳ thi, tập dượt cho HS làm quen với các kỹ năng làm bài thi, nhất là với các môn thi trắc nghiệm, với việc tham gia thi theo cụm… được các trường chủ động triển khai theo quan điểm chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng: không gây căng thẳng cho HS. Cũng vì thế, công tác tuyên truyền được đặc biệt lưu ý, với đối tượng không chỉ là GV, HS, mà tới cả phụ huynh, mọi lực lượng xã hội với mục tiêu để thi cử dần dần trở thành việc bình thường của ngành.
Chuẩn bị kỹ, đánh giá đúng thực chất
Là địa phương có số lượng TS lớn nhất, Hà Nội huy động số lượng lớn cán bộ, GV, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi – với khoảng 17.000 người. 68 cụm trường cũng đã được thành lập với gần 200 hội đồng coi thi, hơn 4.000 phòng thi. Việc tổ chức thi liên trường đã được triển khai trên địa bàn Hà Nội cũ từ nhiều năm nay, song với địa bàn mở rộng, hình thức này còn khá mới mẻ, bởi thế những vướng mắc trong quá trình triển khai đều được kịp thời tháo gỡ. Những điểm mới trong Quy chế thi của Bộ GD-ĐT được phổ biến tới toàn thể HS, trong đó đặc biệt chú ý tới 4 nội dung: trách nhiệm của TS; quy định về việc làm phần đề riêng trong đề thi với từng loại TS theo học từng chương trình; tài liệu, vật dụng được và không được phép mang vào phòng thi; hình thức vi phạm và mức độ xử lý kỷ luật.
Cuối tháng 5, các trường sẽ hoàn thành chương trình các môn học theo phân phối của Bộ, ngoại trừ các trường ngoài công lập do được chủ động thực hiện kế hoạch dạy học. Việc kiểm tra tiến độ thực hiện phân phối chương trình ở các nhà trường đang được tiến hành, song điều dễ nhận thấy là đã bớt đi rất nhiều lời phàn nàn về việc cắt xén chương trình, về những biện pháp được triển khai. Điều ấy khẳng định chủ trương đúng đắn của ngành và là minh chứng cho sự tin tưởng, ủng hộ của xã hội.
Với đối tượng HS đa dạng, năm nay, các nhà trường đặc biệt chú ý tới việc kèm cặp HS yếu kém với nhiều biện pháp: phân loại sớm, cử GV có kinh nghiệm, động viên, khích lệ, không thu tiền ôn tập… Ví dụ, Trường Đinh Tiên Hoàng chia nhỏ các lớp 12; việc bồi dưỡng HS yếu kém được thực hiện theo 3 nội dung: ý thức học, quyết tâm học, phương pháp học; có danh sách theo dõi mức độ tiến bộ của từng em. Trường Hồng Thái duy trì hình thức cung cấp kiến thức cơ bản cho HS, ngoài ra còn kèm thêm cho vài chục em chưa tốt nghiệp năm trước. Trường Mỹ Đức A cũng có gần 20 em chưa tốt nghiệp đăng ký học dự thính, việc ôn tập cho HS yếu kém được bám sát theo hướng dẫn ôn tập của Bộ…
Vì kỳ thi năm nay tổ chức theo cụm nên HS ở một số địa bàn như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mê Linh, Sóc Sơn sẽ phải đến địa điểm thi xa hơn so với các kỳ thi trước, bởi vậy, phương án phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông, điều kiện phục vụ (nơi ăn, ở, đi lại) đã được các nhà trường, chính quyền địa phương chuẩn bị với mục tiêu không để TS nào bỏ thi vì lý do đi lại. Bởi thế, HS có thể hoàn toàn yên tâm, tập trung ôn tập cho kỳ thi, chỉ có điều cần lưu ý là khoảng giữa tháng 5, sau khi biết số báo danh, các em nên tìm hiểu trước về địa điểm thi để chủ động kế hoạch.
Khởi động kỹ với quyết tâm cao, nghiêm túc với "Hai không", kiên trì vì mục tiêu thực chất, Hà Nội đang cố gắng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009 với kết quả cao nhất để mở màn cho những kỳ thi tiếp theo…
Minh Đức (theo Hà Nội mới)
Bình luận (0)