Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kiên trì với bệnh hen phế quản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS. Phương đang chăm sóc bệnh nhân hen phế quản tại phòng cấp cứu. Ảnh: P.N.Q

Hen phế quản (hay gọi là suyễn) là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nếu không kiên trì chữa trị thì bệnh tật không thuyên giảm mà còn gây ra những hệ lụy khác trong cuộc sống của người bệnh lẫn gia đình. Để tìm hiểu về căn bệnh mạn tính này, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với BS. Lê Phước Phương – Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM.
PV: Xin BS cho biết thế nào là bệnh hen phế quản?
Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt cơ trơn phế quản có hồi phục, tăng tiết nhầy và phì đại các tuyến chế nhầy làm đường thở hẹp lại gây ra cơn hen phế quản với biểu hiện khó thở. Bên cạnh đó, cơn khó thở thường xuất hiện khi bệnh nhân tiếp xúc với các yếu tố gây ra cơn hen bao gồm yếu tố gây cơn hoặc yếu tố kích phát. Đặc trưng rõ nhất là thở dồn dập khó khè, những cơn khó thở nghe có tiếng cò cử thường xảy ra khi tiếp xúc với dị nguyên hay thời tiết thay đổi bất thường.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bị hen phế quản phải không BS?
Đúng vậy, ngoài nguyên nhân dị ứng và thời tiết, căn bệnh này xuất hiện là tùy theo cơ địa của từng người nên không phải cứ thời tiết thay đổi là ai cũng bị cả. Trẻ em cũng là đối tượng bị hen phế quản nhiều mà trong đó ngoài nguyên nhân do thời tiết còn có lý do di truyền nếu cha mẹ cũng mắc phải bệnh này. Khi mắc bệnh, trẻ ho dữ dội nhất là về đêm và thường bị nôn ói khi ăn uống. Nói cách khác hen là bệnh mạn tính của đường hô hấp không phân biệt lứa tuổi, ai cũng có thể mắc phải. Có người lúc nhỏ bị hen và sau đó chữa khỏi nhưng về già lại tái phát. Cũng có người khi tuổi đã cao thì mới mắc phải bệnh này.
BS có thể cho biết những dị nguyên thường gây ra các cơn hen như vậy?
Dị nguyên là những nguyên nhân khác gây ra suyễn như khói bếp than, đặc biệt là khói thuốc lào hay khói thuốc lá. Ngay các loại bụi nhà, bụi lông gia súc, nấm mốc, phấn hoa cũng là “thủ phạm” của hen phế quản. Chúng ta cần lưu ý phân biệt hen phế quản với viêm phế quản.
Vậy khi nào thì được xác định là hen phế quản ác tính?
Giới chuyên môn đã phân ra hai loại hen mạn tính và hen cấp tính. Trong đa số trường hợp hen là bệnh mạn tính, một người bị bệnh hen có nghĩa là họ sẽ mang bệnh suốt đời. Hen cấp tính còn gọi là hen ác tính làm cho bệnh nhân khó thở, không nói được, thường xảy ra vào chiếu tối và về đêm. Những lúc đó các loại thuốc giãn phế quản liều thường dùng không đáp ứng được. Do thiếu ôxy nên bệnh nhân sẽ bị ngưng thở sau đó. Lúc này bệnh đã nặng và rất nguy kịch. Khi kiểm tra thì sẽ không có dấu hiệu điện tim điện đẳng và không đo được mạch, huyết áp. Nếu hen mạn tính chỉ kéo dài trong vài phút đến vài giờ thì hen cấp tính liên tục nặng trong rất nhiều  giờ mà nguyên nhân là do tắc nghẽn phế quản tận dễ gây ra biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tim, sau đó có thể dẫn đến tử vong.
Xin BS cho biết cách chữa trị căn bệnh này?
Dựa vào tình trạng nghiêm trọng của căn bệnh và tần suất của triệu chứng để có những phương pháp đặc trị khác nhau bao gồm thuốc giảm, thuốc ngăn ngừa và thuốc trị trong trường hợp nguy cấp. Lời khuyên cho những người bị hen mạn tính nên bỏ hút thuốc, tránh xa các loại dị ứng nguyên như phấn hoa, lau chùi nhà cửa sạch sẽ thường ngày, không nuôi súc vật ở chung với người. Sau một vài tháng nếu bệnh nhân đã được kiểm soát thì giảm dần việc điều trị.
Riêng bệnh hen nặng cấp tính thường có biểu hiện ngưng tim ngừng thở, suy hô hấp do hen có thể đe dọa tính mạng nên điều trị càng sớm càng tốt và bắt buộc nhập viện, cách dùng thuốc như sau: Trước hết cần nhanh chóng thở ôxy với tốc độ lưu lượng cao. Nhấn ép tim kịp thời, đặt đường truyền tĩnh mạch. Trong lúc vừa hồi sức cấp cứu phải vừa cho thuốc trợ tim. Một số thuốc chữa bệnh hen lại có tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, đánh trống ngực do thở gấp và lờn thuốc nên chúng ta cần lưu ý trong quá trình trị bệnh này.
Nói như vậy nhưng chúng ta cũng đừng nên bi quan nhất là những người đang mắc bệnh hen phế quản. Rất nhiều biện pháp giúp kiểm soát được bệnh, không cho cơn hen xảy ra. Nếu sử dụng đúng các biện pháp này, cuộc sống của bạn sẽ trở lại bình thường và khỏe mạnh. Đây là một quá trình lâu dài cần có sự kiên trì và quyết tâm của người bệnh cũng như sự theo dõi đầy đủ của thầy thuốc.
Xin cảm ơn BS!
Hương Thủy (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)