Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kim – Kiều phải xa nhau

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một câu chuyện dài 3.254 câu thơ lại chứa đựng bao điều gay cấn, dữ dội, điều ấy đòi hỏi người viết – đại thi hào Nguyễn Du – phải đặt tiêu chí hợp lý ở hàng đầu. Ví như những chuyện kinh khủng: Thúy Kiều phải bán mình – Thúy Kiều nhận lời với Tú bà cam chịu thân gái lầu xanh – Thúc ông chấp nhận mối tình Thúc sinh, Thúy Kiều. Rồi Hoạn thư phải ghen như thế, Hồ Tôn Hiến phải lập mưu thế kia… Tất cả từ việc dẫn dắt tình huống, đến giải quyết mâu thuẫn rồi hậu quả của sự kiện… phải hợp lí. Như chuyện Kim Trọng yêu Thúy Kiều và được Thúy Kiều chấp nhận, đôi tình nhân tha thiết yêu nhau, hiểu nhau, nặng lời thề ước… giờ phải xa nhau. Tính hợp lí yêu cầu nghiêm ngặt, Nguyễn Du phải đưa ra những yếu tố sao cho đủ sức nặng để Kim phải xa Kiều.
Tin ông chú mất, Nguyễn Du viết bốn câu: Đem tin thúc phụ từ đường/ Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề/ Liêu Dương cách trở sơn khê/ Xuân đường kịp gọi sinh về hộ tang. Bốn câu thơ mà đến ba điều buộc Kim Trọng vào thế không còn cách nào xin phép ở lại, thậm chí nấn ná một đôi ngày. Trước hết, thúc phụ từ đường (từ đường, từ là từ giã, bỏ đi. Đường: nơi mình đang ở, giống như từ trần). Thúc phụ là chú ruột (em của cha, theo kinh lễ Trung Quốc, anh của cha là phụ). Chú cũng như cha, chú chết không thể không có mặt. Hơn nữa, thân sinh của Kim Trọng lại cho biết là Kim sinh phải về để hộ tang. Như vậy, ông chú không có con trai nên Kim Trọng phải gánh vác trọng trách trong tang lễ. Đó là xét về mặt lễ nghĩa, đạo lí ở đời. Nhưng việc ông chú chết lại thảm thương. Ông không chết ở nhà mà chết nơi xa quê hương. Quan tài quàn ở đất khách (lữ thấn). Bà con đang đưa thi thể của ông về nhà (đề huề: mang, đưa về). Hơn thế nữa, đường đi Liêu Dương xa xôi cách trở, Kim phải về ngay, đi ngay…
Ở tình thế ấy, Kim Trọng chỉ biết khóc lóc, chịu cảnh xa Thúy Kiều. Nếu so sánh với nguyên truyện của T.T.T.N, Nguyễn Du đã thêm ba chi tiết quan trọng nói trên. T.T.T.N viết: Nhị lão đa tử tại Liêu Dương, đại lão đa yếu khứ ban cữu, cấp cấp thỉnh đại tướng công hồi khứ đồng khứ, tức khắc tiểu yếu đăng trình (ông hai (ông chú) đã chết ở Liêu Dương, ông nhà định qua đó rước cữu, mời Kim khẩn trương về để cùng gia đình đi tang lễ, phải lên đường ngay tức khắc). Như vậy hai chữ hộ tang (theo phong tục Trung Quốc, ông chú không có con trai, Kim Trọng phải đứng chủ lễ), việc đi Liêu Dương xa xôi cách trở và cái chết xa quê hương, linh cữu đang đưa về nhà; ba chi tiết ấy Nguyễn Du thêm vào, buộc thế Kim phải ra đi tức khắc.
Đấy cũng là bút pháp thường thấy của Nguyễn tiên sinh. Có như vậy, nỗi đau đến vừa đột ngột, vừa gấp gáp, vừa không có phương sách nào khác là phải xa nhau!
Những điều trình bày ở trên không những đưa chàng Kim vào thế phải xa Thúy Kiều mà còn hợp lí cho hành động chạy sang nhà Thúy Kiều của chàng Kim: Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng/ Băng mình lẻn trước đài trang tự tình. Mảng tin tức mới nghe, chợt nghe đã vô cùng sợ hãi (kinh hoàng). Kim Trọng chỉ còn có cách băng mình đến với Thúy Kiều. Nếu trước đây, Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình; giờ đây Kim Trọng băng mình lẻn trước đài trang… Từ băng vơi nội hàm ngữ nghĩa là đi thẳng đến, trong Truyện Kiều có ba lần cụ Nguyễn dùng đến. Một lần bọn Khuyển Ưng đi bắt Thúy Kiều: Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang, hai lần còn lại một cho Thúy Kiều và một cho chàng Kim. Thúy Kiều xăm xăm băng lối là đi thẳng một mạch đến nhà chàng Kim, ở đây nặng về ý không do dự, quyết tâm đến. Còn chàng Kim cũng có sự quyết tâm (có khi còn dữ dội hơn Thúy Kiều) nhưng còn thiên về ý là đi tắt, đi băng, đi cho nhanh. Phải đến ngay với Kiều, phải kể hết đầu đuôi. Có người cho rằng cụ Nguyễn dùng từ lẻn cho chàng Kim, xem ra có gì như thiếu đàng hoàng, tề chỉnh. Đúng là có ý ấy, bởi năm lần dùng từ lẻn trong Truyện Kiều cụ Nguyễn đã ba lần dành cho tên Sở khanh. Một lần Thúc sinh lẻn ra Quan Âm các gặp Thúy Kiều. Trong bối cảnh từ lẻn xuất hiện như vậy, ta cảm thấy có gì không vừa ý lắm khi dung cho một chàng trai đứng đắn, đường hoàng như Kim Trọng. Nhưng cũng phải thông cảm cho chàng Kim là Kim chỉ muốn gặp riêng Thúy Kiều thôi và phải đề phòng người khác biết, Kim đành phải lén lút, đành phải giấu mình.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)