Kim Trọng – Thúy Kiều sau những phút gặp nhau ở mộ Đạm Tiên, hai người về nhà đều tương tư. Cái tài của Nguyễn Du là miêu tả trạng thái tương tư của mỗi người mỗi khác. Thúy Kiều là cô gái một gia đình nền nếp, gia phong, thùy mị, nết na nên tương tư không thấy hiện lên trước mắt mình hình ảnh của một chàng trai, dù đấy là Kim Trọng phong lưu đĩnh đạc. Thúy Kiều chỉ nhìn thấy cảnh ánh trăng xao động trong làn nước, bóng cây lồng với ánh trăng để lại một bóng dáng hòa quyện trên sân… Người đọc không cần biết người đứng nhìn cảnh vật ôm ấp, say tình ấy là Thúy Kiều nhưng cũng nhận ra chỉ là cô gái ấy.
Kim Trọng khác hẳn, chàng say đắm khi mới nhìn thấy hai chị em Thúy Kiều nên đối tượng của sự tương tư hiện lên mồn một. Với tư cách của một chàng trai, sự say mê tưởng nhớ không mơ hồ mà mắt đã nhìn về một hướng, lòng đã thổn thức nỗi cầu mong được gặp mặt. Nguyễn Du đã tả nỗi tương tư ấy bộc lộ trực diện, không một chút e dè, giấu giếm.
Đấy cũng chỉ là một đặc điểm của chuyện Kim Trọng tương tư. Còn đây, một đặc điểm thứ hai, đặc điểm nổi trội: ấy là sự tương tư dữ dội, dồn dập nhiều chiều, nhiều bình diện. Ấy là một Kim Trọng thuộc giống đa tình (đa tình chủng) và tình của Kim là tình vội (cấp tình). Nguyễn Du đã viết một mạch 16 câu thơ (từ câu 243 đến câu 258) nào là Kim đem nỗi sầu ấy mà đong. Muốn cho yên nỗi nhớ, nhưng nỗi sầu lại cứ sinh sôi, nảy nở, sầu đong càng lắc càng đầy.
Thông thường, đong thóc gạo, khi ta lắc, thóc gạo vơi đi. Nhưng Kim Trọng đem sầu mà đong, mà lắc, tức cứ động đến, nỗi sầu ấy cứ dâng trào lên, cứ nhức nhối đau buồn. Chuyện nỗi sầu là hiện tượng tình cảm. Nó vô hình, Nguyễn Du đã vật chất hóa, cụ thể hóa một hiện tượng trừu tượng khiến người đọc như trông thấy, sờ nắn được nỗi buồn ấy.
Kinh thi (Trung Quốc) có câu: nhất nhật bất kiến như tam thu hề (một ngày không thấy nhau như ba năm xa cách). Nguyễn Du không dừng ở biện pháp so sánh một ngày bằng ba năm mà nhà thơ lại dồn ba năm trong một ngày chờ đợi, nhớ mong: Ba thu dồn lại (dọn lại) một ngày dài ghê. Tản Đà cho rằng câu thơ Nguyễn Du tứ văn nồng đượm cũng chính vì sự dồn nén ấy. Xin đọc lại: Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dồn lại một ngày dài ghê. Cả hai câu thơ đều nằm trong trạng thái dồn nén mà nỗi nhớ lại vô cùng. Đó là miêu tả nỗi sầu. Rồi cũng chính từ nỗi sầu ấy, Kim Trọng oán trách mây trên núi Tần đã che mất hướng nhìn của chàng khi chàng dõi mắt trông về nơi người đẹp ở: Mây Tần khóa kín song the! Trông ngóng mãi trong trạng thái thức không được, hay ngủ đi gửi lòng mình vào cơn mộng? Nhưng khốn khổ thay: bụi hồng đã chemất lối đi(bụi hồng dứt nẻo đi về chiêm bao). Như vậy, thức không được, mộng không xong. Ấy vậy mà thời gian cứ trôi qua: tuần trăng khuyết, một ngọn đèn leo lắt đợi chờ, dầu để thắp sáng vơi đi: đĩa dầu hao! Tâm trạng chàng Kim buồn chán vô cùng: mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng (hai chữ mặt, chữ lòng được nhắc lại trong câu thơ nhưng chữ thứ nhất thuộc chàng Kim, chữ thứ hai là của người đẹp). Chán ngán như thế thì còn tâm trí đâu mà học hành, vui thú gì mà ôm đàn gảy khúc nhạc và hình như việc học hành, thú vui âm nhạc cũng buồn nỗi buồn của chủ: ngọn bút se lại, dây đàn chùng xuống. Đang buồn thảm thiết như vậy mà cái mành trúc che trước cửa kia, cái thứ trúc lấy ở sông Tương nơi tình yêu hò hẹn cứ bị gió phân phất kêu lên như một sự trêu ngươi! Rồi mùi hương sao lại lan tỏa lúc này để chàng tưởng đến mùi hương người đẹp…
Cứ như vậy, ý này dồn lên ý khác, nối tiếp, dập dồn y như chàng Kim không nằm yên trong giấc ngủ, cứ trở mình trằn trọc, nghĩ suy.
Có người cho rằng Kim Trọng sau đấy gặp Kiều sao mà táo bạo mà bộc tuệch nỗi lòng đến thế, còn Thúy Kiều sao dám xăm xăm băng lối vườn khuya một mình… hai đoạn tả Thúy Kiều và Kim Trọng tương tư là bước chuẩn bị cho hai người bước vào cuộc tình say đắm, thiết tha.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)