Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kinh doanh áp Tết: Sôi động thương mại điện tử

Tạp Chí Giáo Dục

Trái ngược với không khí mua sắm Tết có phần ảm đạm tại các chợ truyền thống, các cửa hàng, hàng hóa được giao dịch trực tuyến, qua mạng, điện thoại tăng chóng mặt. Nhân viên giao hàng (shipper) hoạt động hết công suất…
Kinh doanh áp Tết: Sôi động thương mại điện tử ảnh 1
Áp Tết shipper mỗi ngày tại Hà Nội giao hàng trăm đơn hàng cho khách. Ảnh: Thành Đạt

Hàng Tết bày kín sảnh chung cư

Anh Nguyễn Việt Hoàng (40 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên; TP Hà Nội) vừa chốt đơn mua 3 két bia ngoại biếu bố vợ, khoe: “Cách đây mấy tối, ngồi lướt Facebook thấy có một shop bán đủ các loại bia. Tra một lúc thì thấy đúng loại bia đang cần, giá ngang siêu thị gần nhà mà được khuyến mãi thêm 1 thùng bia nhỏ. Họ miễn phí giao hàng nên tôi đặt ngay”.

Anh Hoàng kể, sáng hôm sau, nhân viên của shop gọi điện xác nhận đơn hàng nhưng xin giao hàng chậm 2 hôm vì quá tải. Chưa cần dùng bia vội nên anh lập tức đồng ý vì đằng nào cũng đỡ công di chuyển, lại được khuyến mãi. Cuối cùng, anh nhận được hàng gửi đến chân tòa nhà đúng như mong muốn.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này, dưới chân các toà chung cư ở khu đô thị Time City (một khu đô thị quy mô lớn ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhân viên giao hàng quây kín, thùng hàng đầy ứ. Điện thoại của họ lúc nào cũng trong tình trạng nóng máy vì gọi cho khách liên tục. Có tòa nhà, khoảng trống dưới chân chung cư được hai nhân viên giao hàng của Shopee bày kín hàng hóa.

Anh Phan Đại Tài (32 tuổi), một trong hai nhân viên giao hàng của Shopee cho biết, hiện mỗi ngày anh giao đến hơn 400 đơn hàng, gấp đôi tháng trước. Hàng hóa đủ loại, trong đó nhiều nhất là bánh kẹo, quà Tết, quần áo… Nhiều hôm, phải tối muộn anh mới giao hết đơn cho khách.

Hàng hoá Tết dưới sảnh nhận hàng của các toà chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng ken đặc. Ông Nguyễn Danh Tuyên, 61 tuổi, bảo vệ chung cư cho biết, nhiều mặt hàng như bia, giỏ quà Tết được nhân viên giao hàng gửi ở quầy lễ tân. Vì lượng hàng ngày Tết nhiều, nên ông thường phải nhắc người dân nhận sớm vì không có chỗ để.

Theo đại diện Công ty TNHH Grab, trong khoảng một tháng trước Tết Giáp Thìn, ghi nhận số lượng đơn hàng GrabExpress (giao hàng – PV) tăng cao đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đang gia tăng trong mùa mua sắm quan trọng nhất trong năm. Các sàn thương mại điện tử, các chuỗi bán lẻ và các nhà bán hàng cá nhân đã có sự đầu tư nhất định vào các hoạt động kích cầu và tận dụng những giải pháp giao hàng đa dạng, tiện lợi trên thị trường để nắm bắt cơ hội này.

Cửa hàng mặt phố chuyển sang bán trực tuyến

Tối ngày 29/1, trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), du khách nước ngoài và người dân qua lại tấp nập. Tuy nhiên, thỉnh thoảng mới có vài khách ghé vào mua đồ tại các cửa hàng ở đây. Phố Hàng Buồm, hàng Đường nổi tiếng là tuyến phố chuyên về các loại bánh kẹo, hoa quả sấy, mứt, rượu và túi quà… Tuy nhiên, lượng khách ra vào lác đác.

Kinh doanh gần 30 năm trên phố Hàng Buồm, anh Nguyễn Anh Vũ, 48 tuổi, chủ cửa hàng tạp hóa, cho biết: “Thời điểm này năm ngoái đã tấp nập khách tới mua rượu, bánh kẹo. Năm nay, khách đến mua trực tiếp giảm chỉ còn gần nửa năm ngoái”.

Trao đổi với PV, ông Phạm Bảo Trung – đồng Giám đốc kinh doanh của Metric, doanh nghiệp chuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu về thương mại điện tử, cho hay: Từ 7/ 11 – 7/12 âm lịch năm 2023, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Tiki, Sendo) đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo năm 2024, thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 35%.

Tuy nhiên, anh Vũ cho biết, hàng của anh vẫn bán chạy do chuyển sang bán online. “Những khách hàng mua lần đầu, cửa hàng sẽ xin lại số điện thoại. Những lần mua hàng sau, khách chỉ cần gọi đặt đồ, thanh toán tiền vận chuyển là có thể lên đơn cho khách. Lượng khách mua online hiện nhiều hơn khách mua trực tiếp”, anh Vũ nói.

Kinh doanh áp Tết: Sôi động thương mại điện tử ảnh 2

Áp Tết shipper mỗi ngày tại Hà Nội giao hàng trăm đơn hàng cho khách. Ảnh: Thành Đạt

Tương tự, cửa hàng quà Tết có thương hiệu Maison, tại 36 Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) chất kín những hộp quà. Nhân viên liên tục nhận được cuộc gọi mua hàng từ khách. Cứ khoảng nửa tiếng, nhân viên vận chuyển lại về lấy thêm khoảng chục đơn rồi đi giao cho khách. Đại diện cửa hàng cho hay, mọi năm, thời điểm này cửa hàng đã được dọn sạch sẽ để trưng bày hàng, phục vụ khách đến mua trực tiếp. Năm nay do chưa trả được hết đơn đặt hàng quà Tết cho các doanh nghiệp nên hàng hoá vẫn chất đống. Khách mua hàng qua mạng sẽ được nhân viên tư vấn, giúp lựa chọn mẫu mã hộp, loại rượu và các sản phẩm bánh, kẹo tuỳ ý.

Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng tết, nhiều người bán đào, quất cũng bắt đầu bán hàng trực tuyến. Dọc tuyến phố Cầu Đơ (phường Hà Cầu, quận Hà Đông), có nhiều gian hàng bán đào, quất với đủ các kích cỡ. Gian hàng bán quất của anh Lê Mạnh Thắng (39 tuổi, quê ở Bắc Ninh) có đủ loại quất từ đựng trong những chậu lớn đến bình gốm nhỏ. Những chậu quất đựng trong bình gốm nhỏ được anh Thắng đánh mã số thứ tự, livestream trên mạng xã hội để bán hàng.

Theo Thành Đạt/TPO

 

Bình luận (0)