Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh doanh bán lẻ: Vừa bán vừa cho mới đắt hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã vào tháng 8 nhưng sức mua tại hầu hết các chợ cũng như các trung tâm thương mại vẫn ì ạch, buộc các nhà kinh doanh phải nghĩ ra nhiều “chiêu” để hút khách.

Năm tồi tệ!

Sức mua trên thị trường giảm mạnh – Ảnh: Thi Na

Sức mua giảm là tình hình chung ở các chợ, trung tâm mua sắm tại TP.HCM từ nhiều tháng nay. Chính vì vậy, thị trường đã chứng kiến sự “ra đi” của không ít trung tâm bán lẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện máy.

Theo giới kinh doanh ngành hàng điện máy, công nghệ thông tin, điện thoại di động tại TP.HCM, 2011 là năm kinh doanh tồi tệ nhất đối với họ! Thông tin từ một trung tâm kinh doanh điện máy lớn tại TP.HCM cho hay, sức mua hiện đã giảm 20 – 40% so với đầu năm, trong đó, hàng điện lạnh giảm mạnh nhất.
Còn theo ông Nguyễn Minh Thư, Phó tổng giám đốc Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, kinh doanh ngành điện máy đang rất khó khăn vì doanh số giảm mạnh. Hiện nay, lợi nhuận từ kinh doanh hàng điện máy, điện tử, công nghệ thông tin… đã giảm đến 50% so với trước đây. Để tồn tại, nhà kinh doanh phải tìm mọi cách để tăng doanh thu và cắt giảm chi phí.
Cũng trong tình trạng này, bà Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc siêu thị Hà Nội, cho biết, do sức mua đang giảm mà các chi phí cho kinh doanh như điện, nước, lương nhân viên đều tăng nên lợi nhuận của siêu thị ngày càng giảm. Hiện, mức lãi bình quân những tháng gần đây chỉ đạt khoảng 3 – 5%. Mức lãi này chủ yếu nhờ các nhà cung cấp cho trả chậm, cho gối đầu.
Không chỉ có điện máy, doanh thu của các ngành hàng thiết yếu cũng sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, hàng may mặc tiêu thụ rất chậm.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, hiện nay, doanh thu ngành may mặc của hệ thống siêu thị Co.opMart chỉ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Tuy có tăng trưởng nhưng theo bà Hạnh Thu, nếu trừ ra các yếu tố tăng giá và số lượng các siêu thị mới mở thêm thì coi như doanh số không tăng. Riêng các mặt hàng phục vụ học sinh như: cặp táp, túi xách, tập vở, bút viết, đồng phục học sinh chỉ tiêu thụ hơn 50% lượng hàng.
Siêu thị sụt giảm doanh số thì các chợ truyền thống còn khó khăn hơn rất nhiều. Tại các chợ, chỉ có ngành hàng thực phẩm vẫn còn “ăn nên làm ra” vì đây là nhu cầu không thể thiếu của mọi gia đình.
Không có thống kê chính thức nhưng tiểu thương các ngành hàng vải sợi – may mặc, công nghệ phẩm, giày dép, thủ công mỹ nghệ… ở các chợ đều nhận định sức mua đã giảm đến gần một nửa so với năm trước.
Tại nhiều chợ như Văn Thánh, Bà Chiểu, Tân Định… dù vào giờ cao điểm mua sắm trong ngày cũng không tránh khỏi tình trạng người bán đông hơn người mua.
Bà Lý Thanh Thương, tiểu thương kinh doanh vải sợi tại chợ Hòa Hưng (Q.10), than thở: “Chưa có năm nào buôn bán ế ẩm như năm nay. Có khi cả ngày chẳng bán được xấp vải nào nhưng đã lỡ theo nghiệp mua bán cả chục năm nay, bỏ thì không nỡ, đành chỉ biết chờ vào những tháng cuối năm”.
Chợ bán lẻ đã thế, các chợ đầu mối cũng không hơn gì. Dù lượng hàng về các chợ Bình Điền, Thủ Đức vẫn ổn định, nhưng sức mua giảm nhiều so với trước.
Để giúp tiểu thương giải quyết khó khăn, Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức đành phải tăng thời gian mở cửa chợ. Trước đây, khoảng 7 giờ sáng chợ đã “tan tầm”, nhưng nay đến 10 giờ vẫn còn mở cửa. Thế nhưng, nhiều vựa hàng vẫn không bán hết hàng, đành phải “thanh lý hàng tồn” với giá rẻ, thậm chí không ít vựa phải đổ bỏ.
Hai nhà cùng tốn
Trước tình hình khó khăn này, các nhà kinh doanh phải nỗ lực tìm đường thoát bằng nhiều hình thức. Trong đó, khuyến mãi là cách được hầu hết nhà kinh doanh lựa chọn.
Khuyến mãi nhiều nhất hiện nay vẫn là ngành kinh doanh điện máy. Hầu như mọi trung tâm kinh doanh điện máy đều thực hiện khuyến mãi giảm giá và đang cạnh tranh nhau từng chút một để thu hút khách về phía mình.
Tại TP.HCM, mấy chục trung tâm kinh doanh điện máy, từ những đơn vị có thương hiệu như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Điện máy Chợ Lớn, Đệ Nhất Phan Khang, Ideas… cho đến những tên tuổi nhỏ như Tú Trinh, Hoàng Khương, Trần Thế…, đều cùng nhau khuyến mãi.
Trung tâm lớn thì giảm giá 30 – 49%, nhỏ thì 10 – 20%. Trong 14 trang quảng cáo màu của Báo Tuổi trẻ ra ngày 26/8 có đến 12 trang đăng quảng cáo của các nhà kinh doanh điện máy.
Ông Minh Thư cho rằng, trong thời điểm này, dù khó khăn đến mấy doanh nghiệp cũng phải khuyến mãi, giảm giá thì mới mong bán được hàng. “Doanh nghiệp nào có lợi thế về mạng lưới, về lượng khách hàng lớn… sẽ có khả năng đàm phán với nhà cung cấp để có giá giảm tốt nhất. Và chắc chắn nhờ chương trình kích cầu này mà sức mua sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Minh Thư nói.
Tuy nhiên, để có những chương trình kích cầu này, không chỉ nhà sản xuất mà ngay cả các nhà kinh doanh cũng phải tốn kém không ít.
Đại diện một nhà kinh doanh siêu thị khá lớn tại TP.HCM cho biết, nếu trước đây việc giảm giá tại các siêu thị chủ yếu do các nhà cung cấp thực hiện và siêu thị chỉ giảm một phần chiết khấu, thì hiện nay, với những chương trình có kinh phí thực hiện lên đến cả chục tỷ đồng, thậm chí vài chục tỷ, thì bản thân các siêu thị, trung tâm mua sắm cũng phải bỏ ra khá nhiều.
Ngoài ra, họ phải hoạch định chiến lược ngay từ đầu năm với nhiều chương trình và thực hiện liên tục, xuyên suốt trong cả năm, vì vậy không tránh khỏi bị lỗ.
MINH HÀO / DNSG

Bình luận (0)