Những ngày cuối năm, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh đang đứng trước những câu hỏi khó trả lời: tăng giá hay không tăng giá? Nếu tăng, liệu người tiêu dùng có từ chối? Không tăng, liệu có lợi nhuận khi những khoản như lãi suất, tỷ giá, chi phí kinh doanh… đều tăng?
Bà Phạm Thị Thanh, giám đốc công ty TNHH Tân Phạm Gia cho biết, không thấy vui dù siêu thị đặt hàng nhiều, tiêu thụ tốt. Bà Thanh lý giải, công ty tự dệt vải và may nhưng sợi tăng giá gấp đôi, từ 60.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg, nhưng siêu thị không đồng ý nhập hàng tăng giá, lại đòi tăng khoản chiết khấu lên đến 40 – 50%. Do đó, người tiêu dùng phải mua giá cao, nhưng công ty sản xuất lại không có lợi nhuận. Chưa hết, vòng quay đối với sản xuất hàng may mặc sáu tháng cũng khó, nhưng bà Thanh vừa mới hỏi vay ngân hàng thì được báo, chỉ cho vay ba tháng và lãi suất tới 18 – 20%/năm.
Nhiều chương trình khuyến mãi được đưa ra nhằm hút khách cuối năm.
Thà bán ít, lãi ít…
Hơn mười năm gắn bó với ngành kinh doanh máy lạnh tại thị trường Việt Nam, ông Vũ Huy Điểu, giám đốc kinh doanh của Mitsubishi Việt Nam nói rằng, chưa năm nào mà nhà sản xuất lại đứng trước tâm trạng ngổn ngang như năm nay. “Dù không muốn nhưng chúng tôi đã quyết định tăng giá một cách hạn chế 3 – 5% cho nhóm sản phẩm máy lạnh. Phần còn lại, nhà sản xuất và nhà bán lẻ sẽ cùng nhau chia sẻ”. “Phần còn lại”, theo ông Điểu, là tỷ giá, lãi suất ngân hàng tăng… mà nhóm hàng nhập khẩu đang phải hứng chịu.
Dù tỷ lệ tăng trưởng nhóm hàng máy tính trong năm nay ước chừng 25% nhưng theo ông Đoàn Hồng Việt, giám đốc công ty Digiworld, nhà nhập khẩu máy tính, lợi nhuận năm 2010 giảm 30% so với năm 2009. “Nhóm hàng máy tính xách tay vẫn còn tăng trưởng nhưng ở những tháng cuối năm, tình hình kinh doanh thật sự khó khăn. Dù mạnh vốn đến cỡ nào cũng không thể nhập nhiều hàng vì không thể tiên liệu thị trường. Thà chấp nhận giảm lợi nhuận chứ không thể ôm hàng trong lúc đang có những bất ổn về tỷ giá và lãi suất”, ông Việt chia sẻ.
Chấp nhận tỷ lệ chiết khấu thấp chứ không thể vay ngân hàng để nhập hàng nhiều hưởng chiết khấu cao như những năm trước là tâm lý chung của nhiều nhà bán lẻ, trong đó có nhà bán lẻ điện thoại và máy tính Viễn Thông A. “Có những lúc thiếu tiền lấy hàng, có vay ngân hàng nhưng tình hình lãi suất hiện nay chỉ vay ngắn hạn và vay ít. Chúng tôi đau đầu tính toán tăng hay không tăng giá vào lúc này. Mình tăng mà nhiều hệ thống khác không tăng thì sao. Thôi, thà bán ít, lãi ít…”, ông Huỳnh Việt Thương, chủ tịch hội đồng quản trị Viễn Thông A nói. Năm 2010 chưa kết thúc nhưng mối lo của ông Thương hướng về năm 2011. Hỏi nguyên cớ, ông bảo năm nay là năm quá nhiều điều mệt mỏi. “Khó thì khó nhưng bán lẻ nhóm hàng này vẫn còn sống được. Có mấy người bạn đầu tư vào địa ốc đang thua nặng”, ông Thương nói thêm.
Hồi hộp… cuối năm
Không thể nhập nhiều hàng vì khó tiên liệu thị trường. Thà chấp nhận giảm lợi nhuận chứ không thể ôm hàng trong lúc đang có những bất ổn về tỷ giá, lãi suất…
|
Thị trường thực phẩm, dù đang vào mùa cao điểm Noel, tết dương lịch, nhưng theo nhiều nhà bán lẻ, sức mua vẫn “bình bình”, chưa có́ dấu hiệu tăng tốc. Với nhóm sản phẩm: lẩu, chả giò, cá viên… được định vị từ khá lâu và chiếm cảm tình từ phía người tiêu dùng, nhưng doanh số bán hàng trong 15 ngày đầu tháng cuối năm của công ty cổ phần hải sản S.G Fisco vẫn giống như ngày thường. Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty cho rằng: “Năm nay, chắc chắn thị trường sẽ không còn không khí mua sắm tấp nập vào những ngày trước lễ, tết như trước đây. Có chăng, chỉ xảy ra vào các ngày cao điểm. Với tình hình hiện nay, người tiêu dùng phải cân đong, tính toán chi tiêu tiết kiệm”. Với tín hiệu thị trường như vậy, theo bà Lâm, không chỉ Fisco mà nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất hàng thực phẩm đông lạnh đang hồi hộp chờ đợi sức mua vào những ngày cuối năm.
Theo thống kê của một số doanh nghiệp, ngay thời điểm này, nếu đem so sánh với cùng kỳ năm trước, sức mua mặt hàng thực phẩm giảm 20 – 30%. Ông Trần Văn Hạc, giám đốc kinh doanh công ty C.P cho biết, hàng loạt sản phẩm chế biến như giò chả, xúc xích, lạp xưởng… do công ty sản xuất chưa thấy “tín hiệu màu xanh”. “Có vẻ như người tiêu dùng đang chắt bóp chi tiêu từng đồng”, ông Hạc nói.
Nhóm hàng thực phẩm đông lạnh, nhiều doanh nghiệp cho biết, sau lần tăng giá từ cuối tháng 11, giá nhiều mặt hàng sẽ được giữ nguyên cho đến tết Nguyên đán, vì nếu điều chỉnh nữa sẽ rất khó bán. Nói thì nói vậy, nhưng trước lãi suất vay bị điều chỉnh lên đến 17 – 18%/năm, cộng vào đó chi phí lương công nhân tăng vào những ngày cuối năm, khó có thể giữ giá như những gì cam kết.
Theo DNSG
Tin liên quan
Chiều 7-1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2024, triển khai chương trình công...
Sáng 7-1, UBND phường 14 quận 5 đã tổ chức Lễ ra mắt “Phố vải - Soái Kình Lâm”. Ông Lê Đăng...
Tai nạn lao động không chỉ để lại vết thương trên cơ thể mà còn khắc sâu nỗi mặc cảm trong tâm...
Ngày 18-12-2024 tại Hội trường Nhà hát Quân đội đã diễn ra lễ trao giải thưởng doanh nghiệp đạt chất lượng quốc...
Bình luận (0)