Một trường ĐH tư thục tại TPHCM doanh thu mỗi năm chừng 1,6 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ đi các loại chi phí, lãi ròng thu được xấp xỉ 1 tỉ đồng.
Mới đây, tháng 5/2011, bản khảo sát của hãng Grant Thornton Việt Nam đã cho ra một kết quả khiến không ít người bất ngờ: “Giáo dục đang dẫn đầu danh mục lĩnh vực hấp dẫn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam”, với hạng đánh giá “rất tốt”.
Giáo dục đang dẫn đầu về mức độ hấp dẫn đầu tư
Kết quả của mối liên kết giữa một trung tâm nghiên cứu ở quận 5 với một trường đại học tư thục ở TP.HCM trong gần bốn năm qua là chừng 50 sinh viên sắp sửa tốt nghiệp. Bốn năm qua, 200 sinh viên đang theo học tại đây đang mang lại “doanh thu” chừng 1,6 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí thuê mướn mặt bằng, trả tiền giáo viên và nhân viên, cùng khoản “phí quản lý” cho trường, lãi ròng thu được xấp xỉ 1 tỉ đồng.
Gần đây, trung tâm đang tìm cách liên kết với một trường đại học khác ở Bình Dương, để mở rộng hoạt động.
Minh họa (IE) |
Ở bậc đại học, các hình thức kinh doanh như vậy rất phổ biến, mang về các khoản doanh thu rất lớn, gọi là “nồi cơm” ở các trường công lập, và “siêu lợi nhuận” ở các trường tư thục.
Như trường hợp của trường đại học kể trên, với số sinh viên lên đến 20.000 người, học phí trung bình mỗi năm chừng 8 triệu đồng, doanh thu hàng năm là một con số khổng lồ. Tiền để chi trả cho giảng viên rất ít, một phần nhỏ dùng để trả tiền thuê địa điểm, số nữa thì cùng ăn chia với các “khoa” hay cơ sở bên ngoài, còn lại chính là “lợi nhuận”.
Ít có ngành kinh doanh nào mà khi chưa có sản phẩm đã được nhận tiền “tươi” như giáo dục. Người học thường phải đóng học phí vào đầu học kỳ, hay khóa học, còn tiền trả cho giảng viên thì vào lúc kết thúc học kỳ hay khóa học đó.
Một doanh nghiệp than rằng, trong bối cảnh hiện nay, chỉ việc đem số tiền đó gửi ngân hàng cũng mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể, dư sức trả lương cho giảng viên, nhân viên.
Ở các nước tiên tiến, học phí chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của trường đại học (hoạt động phi lợi nhuận), mà phần lớn là từ tài trợ của các tổ chức, cá nhân và từ nguồn chuyển giao khoa học, công nghệ. Còn ở Việt Nam, đặc biệt là với các trường tư, học phí là nguồn thu gần như là duy nhất.
Kinh doanh trên từng cây số
Liên kết là một trong những hoạt động rất sôi nổi của giới kinh doanh giáo dục đại học, cả công lập lẫn dân lập. Những hình thức liên kết này thường có tỷ lệ ăn chia: trường đại học được hưởng 30%, gọi là phí quản lý và cấp bằng. Cơ sở đào tạo giữ lại 70%, và được toàn quyền tổ chức đào tạo, từ mời giảng viên đến tìm địa điểm.
MInh họa (IE)
Trong trường hợp kể trên, một trung tâm có chức năng nghiên cứu đã hoạt động như một khoa của một trường đại học. Ngôi trường tư thục mà trung tâm này liên kết có đầy đủ các hệ từ chính quy, liên thông đến tại chức, văn bằng 2, từ xa, đủ các cấp đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học đến cao học. Trường còn mở khoa dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đồng thời liên kết với một số trường nước ngoài đào tạo “bằng cấp quốc tế”.
Đào tạo đại học tại chức ban đầu chỉ giới hạn về ngoại ngữ ở một vài trường, gần đây, cùng với hệ văn bằng 2, đã rộ lên phong trào trường trường, khoa khoa cùng mở lớp. Trường trung cấp mở hệ liên thông lên cao đẳng, trường cao đẳng mở hệ liên thông lên đại học…
Các trường ở thành phố mở cơ sở ở các tỉnh, các trường tỉnh lẻ liên kết với các trường ở thành phố. Một số trường ở phía Bắc cũng “Nam tiến” để tham gia thị trường. Các tổ chức như trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu chuyên ngành cũng hào hứng tham gia. Các trung tâm luyện thi, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học của các trường cũng lần lượt mọc lên, trước là đào tạo cho chính sinh viên của trường đủ điều kiện tốt nghiệp, sau là chiêu sinh các học viên bên ngoài.
Các thí sinh không đủ điểm vào đại học được một số trường “chào mời” hệ đào tạo 2+2, một chương trình liên kết đào tạo hai năm ở Việt Nam và hai năm ở một trường nước ngoài, tất nhiên là học phí cao. Chưa hết, các trường còn tìm cách liên kết với nước ngoài đào tạo các khóa ngắn hạn, dài hạn, từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ.
Ở bậc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cũng đang rộ lên xu hướng kinh doanh. Nổi bật nhất là chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) được quảng bá khắp nơi, kể cả những trường không liên quan gì đến kinh tế. Âm thầm hơn một chút là các khóa thạc sĩ lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh (TESOL).
Nếu trước đây để có được tấm bằng này, học viên phải vất vả qua bao kỳ thi tuyển với số lượng vài chục người/năm, thì nay chỉ với một số tiền kha khá, bất kể xuất thân từ gốc tự nhiên, kỹ thuật hay xã hội, chỉ cần qua một kỳ thi đầu vào tiếng Anh, đóng tiền, đi học và… lấy bằng, không cần phải vất vả nghiên cứu khoa học hay làm luận văn, thời gian thì rút ngắn mà bằng lại được ghi là “quốc tế”.
Tất cả đều trên danh nghĩa là nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nhưng thực chất là đang vắt triệt để “bầu sữa” từ khách hàng – người dân, khi tìm mọi cách khai thác tâm lý khát khao sở hữu một tấm bằng đại học.
Vì đâu nên nỗi?
Không thể phủ nhận những mặt tích cực về việc xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao tri thức cho người dân. Nhưng bức tranh toàn cảnh về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, đang hết sức méo mó.
Nhiều người thầy đã trở thành thợ dạy, và những cuộc chạy sô đang lấy hết thời gian nghiên cứu khoa học. Nhiều cơ sở đào tạo trở thành các điểm kinh doanh bằng cấp. Chất lượng đào tạo không tương xứng với chi phí bỏ ra, nhưng người ta vẫn phải đổ xô học vì nhu cầu bằng cấp.
Một chuyên gia gọi tâm lý chuộng bằng cấp là “nhu cầu ảo”, nhưng đang được giới kinh doanh “có nghề” lợi dụng và khai thác triệt để. Nói là ảo bởi nhiều người đi học khi được hỏi đều thừa nhận họ cần bằng cấp để hợp thức hóa các điều kiện do cơ quan, tổ chức yêu cầu dù đôi khi công việc thực tế chẳng cần đến.
Thấm thía hơn ai hết trong câu chuyện này có lẽ là một giảng viên ở một trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Do áp lực của trường về chuyện giảng viên phải có bằng tiến sĩ sau một thời gian nhất định, cô đi vay mượn số tiền gần 300 triệu đồng đi học chương trình của một trường có trụ sở tại Hawaii, Mỹ, và chừng một năm sau được cấp bằng tiến sĩ (trong khi để hoàn tất một chương trình tiến sĩ ở Mỹ phải mất từ 4-6 năm). Đến nay, đã gần bốn năm, cô vẫn miệt mài ngày đêm đi dạy để trả số nợ này mà vẫn chưa hết.
Oái oăm hơn, chỉ tay vào tấm bằng, cô buồn bã cho biết nhà trường đã không công nhận học vị “tiến sĩ” của mình, vì cho rằng tấm bằng này là bằng “dỏm”, do học phải một trường không được kiểm định.
Các chuyên gia khẳng định cơ quan quản lý giáo dục hoàn toàn biết được thực trạng này nhưng đang thả nổi vấn đề quản lý.
Phi Phi (theoTBKTSG)
Bình luận (0)