Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá năm 2010 kêu lỗ nặng.
Doanh nghiệp đang bán thịt lợn bình ổn giá ở mức 68-72 ngàn đồng/kg, thấp hơn gần 20 nghìn đồng so với thị trường. Ảnh: N.H. |
Ông Nguyễn Văn Trực – Tổng Giám đốc Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), cho biết: Hiện giá thịt heo trên thị trường đã lên mức 80.000 – 90.000 đồng/kg, trong khi giá bình ổn mặt hàng này vẫn ở mức 68.000 – 72.000 đồng/kg, do đó, chỉ tính riêng thịt heo hơi, mỗi ngày Sagri lỗ hơn 100 triệu đồng.
Bởi thế, các sở ngành cần xác định lại mặt bằng giá mới cho các mặt hàng trong chương trình bình ổn giá năm 2011. Theo ông Trực, phải tăng giá từ 10 đến 15% so với giá hiện nay. Nếu không tăng giá, nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn có thể sẽ rút khỏi chương trình do lỗ quá cao.
Theo ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Cty lương thực thành phố, thì giá vốn một lít dầu ăn hiệu con két Cty lấy vào là 34.000 đồng, nhưng giá bán vẫn giữ nguyên như đã đăng ký bình ổn từ tháng 6-2010 chỉ 24.500 đồng; tương tự, giá đường lấy vào 24.000 đồng, bán ra 18.000 đồng…
Ông Châu Nhật Trung, đại diện Cty Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng cho biết, giá bình ổn đang bán hiện nay của thịt vịt là 50.000 đồng/kg, gà tam hoàng 50.000 đồng/kg, gà ta 90.000 đồng/kg. Giá này đã quá lạc hậu, vì được xây dựng dựa trên giá thức ăn hồi tháng 6-2010, ở mức 7.500 – 7.800 đồng/kg, nhưng nay giá thức ăn tăng lên tới 10.000 đồng/kg.
Trao đổi về việc các doanh nghiệp xin tăng giá các mặt hàng bình ổn, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sở chỉ có nhiệm vụ xét đơn vị tham gia và nguồn hàng. Việc chấp thuận có tăng giá hay không là do Sở Tài chính.
Bà Đào cũng cho biết, hiện tại đã có 8 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá năm 2011 và Tết Nhâm Thìn với ba nhóm hàng: lương thực thực phẩm thiết yếu, thuốc nội địa thông thường và đồ dùng phục vụ học sinh mùa khai trường.
Không chỉ gặp khó vì giá bán, doanh nghiệp còn gặp khó về vốn vay để trữ hàng. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op nói:
“Năm 2011 hệ thống cần 400 tỷ để mua nguồn hàng dự trữ nhưng hiện vay vốn ngân hàng rất khó, trong khi lãi suất lại quá cao cho nên doanh nghiệp vẫn đang phải loay hoay. Nhiều doanh nghiệp cho biết, vay vốn ngân hàng theo hướng thỏa thuận cũng ở mức 18 – 19%/năm, ngoài ra, các điều kiện cho vay của ngân hàng cũng rất khắt khe”.
Trao đổi với doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, lãnh đạo TP sẽ họp với nhóm doanh nghiệp, ngân hàng trên địa bàn để bàn bạc tháo gỡ khó khăn.
Nguyễn Hiền / TPO
Bình luận (0)