Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm
Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chính là “chìa khóa vàng” giúp ngành du lịch phát triển. Song song đó cũng tạo nên không ít khó khăn, nhất là đối với lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Đây là nhận định của các doanh nghiệp tại tọa đàm “Kinh doanh khách sạn trong thời đại công nghệ số” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức mới đây.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM), trong những năm gần gây, hệ thống cơ sở lưu trú ở TP.HCM có bước phát triển khá nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến năm 2018, trên địa bàn TP có gần 3.000 cơ sở lưu trú du lịch các loại với hơn 60.000 phòng kinh doanh. Trong đó, có hơn 1.400 khách sạn từ 1 đến 5 sao với hơn 41.000 phòng kinh doanh, khoảng 1.400 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 34.000 phòng đạt tiêu chuẩn. Việc này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch TP.
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy du lịch thông minh phát triển. Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam cũng đã đầu tư cho công nghệ và triển khai nhiều ứng dụng thông minh đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn… Bà Hoa nhìn nhận: “Song song với thuận lợi, kinh doanh khách sạn trong nước cũng đối mặt với không ít khó khăn. Sự kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao từ các dịch vụ của khách sạn đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ để tạo lợi thế trong thời buổi mà lĩnh vực kinh doanh khách sạn ngày càng gay gắt. Cùng với đó, hệ thống internet phát triển đã thay đổi nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, trong đó có tiếp thị. Những hình thức tiếp thị truyền thống không còn hiệu quả. Đặc biệt, trong thời buổi hiện nay, khách hàng dễ dàng nhìn thấy những khoản ưu đãi khi đặt phòng trên mạng, do đó việc thu hút khách hàng quay trở lại sau khi sử dụng dịch vụ là một thách thức lớn”.
Nói về nhu cầu của khách hàng, dưới góc độ là một doanh nghiệp kinh doanh có kinh nghiệm, ông Đặng Minh Phước (Giám đốc Công ty Outbox Consuling) nhận định: Những thay đổi rõ rệt trong ngành bởi sự đổi mới công nghệ đã dẫn đến sự thay đổi quan trọng liên quan đến hành vi của khách hàng. Cụ thể, khách hàng của các khách sạn đang có xu hướng sử dụng các dịch vụ tiện ích online nhiều hơn trong việc sử dụng thiết bị máy tính để hoàn thành giao dịch; phản hồi, đánh giá trực tuyến… Theo thống kê, có khoảng 148.000.000 booking dịch vụ du lịch và khách sạn được thực hiện trên thế giới mỗi năm, 65% tổng số booking phòng thực hiện trực tiếp thông qua website của các khách sạn, 77% khách Việt Nam có xu hướng lập kế hoạch và mua các dịch vụ du lịch trên internet. Đồng thời, có đến 89% khách hàng Việt Nam cho rằng ứng dụng công nghệ trong khách sạn sẽ mang lại cho họ một trải nghiệm tuyệt vời. Từ đó, buộc các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn phải có giải pháp để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng Việt Nam nói chung và khách du lịch nói riêng.
Từ những bất cập trên, các doanh nghiệp đề ra một số giải pháp. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cần lấy khách hàng làm trung tâm bằng cách ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng 24/7, quản lý dữ liệu khách hàng, xây dựng các chiến lược phát triển. Một yếu tố vô cùng quan trọng đó là sự chung tay giúp đỡ của lãnh đạo Nhà nước. Theo các doanh nghiệp, muốn phát triển dịch vụ khách sạn, hệ thống mạng rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh thành còn gặp hạn chế về hệ thống mạng, nhất là tại các đảo, do đó việc xây dựng hệ thống mạng sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kịch bản đề phòng sự tấn công an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng làm việc với các ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thương mại hóa thiết bị kỹ thuật số, nhất là trong lĩnh vực khách sạn; đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh. Đặc biệt, Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có nguồn lực để cạnh tranh…
Kiều Khánh
Bình luận (0)