Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Kinh doanh kiểu teen

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: nhân vật cung cấp

Thanh Tú hiện đang là MC được teen hâm mộ qua các chương trình như: Lời chào tuổi teen, Hòa nhịp bạn trẻ, H2teen Concert… Chàng trai trẻ này cũng có một thời gian kinh doanh khá lâu, chỉ vì suy nghĩ: Kinh doanh là cách nhanh nhất để học kinh nghiệm sống.

Thời còn là diễn viên trường Sân khấu điện ảnh, trong khi bạn bè tất bật chạy show, Tú chỉ biết ngồi học và học. Anh chàng từng buồn vì nghĩ có lẽ mình thiếu duyên với nghệ thuật. Chính trong thời gian này mà Tú tập tành kinh doanh. Tự tin mình có khiếu buôn bán, qua vài phi vụ “đầu nậu” hoa hồng bán trong các dịp lễ 8.3, 14.2, năm thứ 2 đại học, Tú cùng người bạn gom góp 60 triệu đồng mở một cửa hàng thời trang. Hiểu biết về thời trang chủ yếu là chủ quan cá nhân, nguồn hàng cũng chưa lùng sục kỹ, lại chưa tìm hiểu tâm lý khách hàng, nên chẳng lạ gì khi chỉ sau 2 tháng, 60 triệu đồng tiền vốn bay vèo. Tú bảo, cú đó đau điếng và triệt tiêu luôn tính hiếu thắng trẻ con trong người anh.

Nhìn mặt Tú thư sinh trắng trẻo, ai cũng nghĩ chàng này chắc nhát gan, yếu thế lắm. Thực ra, Tú rất lì. Sau cú rớt đầu tiên trong thế giới kinh doanh đó, anh càng lì hơn. Anh về quê ở Bình Dương vay mượn tiền người thân, bạn bè, ôm lên thành phố mở shop thời trang mới. Tú bảo, phải làm cho bằng được, vì đã bỏ 60 triệu ra học kinh nghiệm rồi, không lẽ không áp dụng. Rút kinh nghiệm, lần này, cửa hàng được trang trí bắt mắt, giá bán cũng vừa phải theo túi tiền chung của giới sinh viên. “Thà lời ít mà bán số lượng nhiều, còn hơn lời nhiều mà cả tháng doanh số ít”, Tú tâm niệm. Ông chủ trẻ còn chịu khó ở cửa hàng nhiều hơn, hỏi han, ghi nhận sự góp ý của từng khách hàng rồi chịu khó lùng sục hàng tận gốc để có giá tốt nhất. “Cái gì cũng có giá của nó. Thời kỳ đầu mình ít tiền thì phải bỏ công sức nhiều. Mình còn trẻ, mình sẽ bỏ công để học kinh nghiệm mà”, Tú nhắc đi nhắc lại liên tục trong câu chuyện điều này.

Cửa hàng thời trang ấy lúc đầu bé, sau cứ lớn dần, lớn dần, nuôi Tú qua thời sinh viên và giúp anh… làm giàu. Sinh viên trường Sân khấu điện ảnh mới ra trường còn trầy trật đi tìm vai diễn, Tú đã có thể mua xe, hùn tiền với gia đình mua nhà. Quan trọng hơn, anh bảo kinh doanh cho mình sự tự tin. Và chính sự tự tin mới là vốn liếng lớn nhất giúp Tú khi đi thử vai, diễn và làm MC. “Đã kinh doanh rồi mới thấy, quan trọng nhất là làm chủ được tình huống. Mình lúng túng, mất phương hướng, sẽ đánh mất chính mình”. Có lẽ cũng vì nghĩ vậy mà Tú làm MC khá tốt, liên tục đắt show, vì anh làm chủ được sân khấu, chương trình. “Lúc đầu kinh doanh vì ham hố làm giàu. Còn giờ, kinh doanh là cách tốt nhất để học kinh nghiệm từ thực tế. Chính từng khách hàng sẽ cho mình những bài học, để mình rút ra và áp dụng”.

Kể ra, sau mấy lần lỗ vốn, Tú đã giữ được cho mình rất nhiều kinh nghiệm xương máu. Bởi vậy, bây giờ, dù bận thế nào, Tú cũng vẫn dành nhiều thời gian gần gũi với nhân viên của mình vì “nếu không có nhân viên, làm sao mình kinh doanh thành công được”. Và kinh nghiệm giữ nhân viên của Tú thì khá… teen: Đó là khi sếp chịu mua quà bánh, trái cây đem đến cho nhân viên ăn để gắn kết tình cảm như anh em trong nhà. “Mình làm theo cách của mình, miễn hiệu quả là được”, Tú nói thế khi thấy có người bảo “ông chủ trẻ” sao teen quá.

Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)