Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh doanh mạng xã hội tại Việt Nam: Có cộng đồng nhưng chưa khai thác được

Tạp Chí Giáo Dục

Các mạng xã hội của Việt Nam tuy thu hút đông người dùng, nhưng doanh nghiệp nước ngoài mới chính là người đang biết cách sử dụng cộng đồng thành các cơ hội kinh doanh.

Cuối tháng 6.2012, Facebook, mạng xã hội (MXH) thuộc loại lớn nhất thế giới, công bố doanh thu quảng cáo trong quý 2 của mạng này là 921 triệu đôla Mỹ, tăng 28% so với quý trước. Trong đó, ước tính thị trường Việt Nam đóng góp khoảng 7 triệu đôla Mỹ.
Mạng xã hội dễ tập hợp khách hàng, nhất là giới trẻ với những hoạt động xã hội. Trong ảnh: một buổi ca nhạc do một mạng xã hội tổ chức vào đầu năm 2012, thu hút nhiều thành viên tham dự. Ảnh: Xuân Việt
Có sức mạnh đám đông
Nếu hỏi nhu cầu vào mạng, MXH xếp thứ hai về khả năng thu hút người dùng, sau nhu cầu đọc tin tức. Theo số liệu từ DoubleClick Ad Planner của Google, trong tháng 6.2012, ba MXH thu hút người dùng lớn nhất Việt Nam lần lượt là Facebook, me.zing.vn và yume.vn. Trong đó, mạng của tỉ phú trẻ Zuckerberg thu hút 8,2 triệu lượt người Việt Nam. Còn hai mạng do doanh nghiệp trong nước quản lý thu hút 6,8 triệu lượt và 1,9 triệu lượt.
Nếu xét theo góc độ sở hữu, các doanh nghiệp Việt Nam đang lấn lướt doanh nghiệp nước ngoài về mức độ thu hút người dùng. Thống kê của Google dựa trên dữ liệu tháng 6 vừa qua cho thấy, trong sáu doanh nghiệp có nhiều người dùng nhất, dẫn đầu là VinaGame với 15 triệu lượt. Các vị trí thứ hai và thứ năm thuộc về Yahoo và Facebook, với lượt truy cập lần lượt là 12,6 triệu và 8,2 triệu lượt. Ba vị trí còn lại, xếp theo thứ tự, lần lượt là VCC, FPT và VTC. Trong đó, VCC có 11 triệu lượt người, FPT 9 triệu lượt và VTC có 5,1 triệu lượt.
Sự phát triển của MXH tại Việt Nam không chỉ thu hút người dùng theo bề rộng, mà ngày càng có nhiều mạng hướng tới các cộng đồng riêng.
Theo ông Tuấn Hà, giám đốc điều hành công ty truyền thông VinaLink, có đến 20 loại hình MXH trên 28 loại hình của thế giới đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Nếu như Facebook là sân chơi chung, thì Yume là đất dành cho bạn trẻ thích sáng tác.

CEO VinaGame vẫn giữ 19% cổ phần

Trước thông tin VinaGame bị Trung Quốc thâu tóm, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Lê Hồng Minh chỉ còn nắm giữ 1% cổ phần, ông Minh cho biết: “Tôi vẫn giữ 19%, tỷ lệ cổ phần của các cổ đông nước ngoài sở hữu tại công ty không được vượt quá 49% theo luật định”. Ông Minh không nói rõ số cổ phần mà Tencent (Trung Quốc) đang nắm giữ.

Theo thống kê của trung tâm Internet Việt Nam, tính đến cuối tháng 6.2012, Việt Nam có gần 32 triệu người sử dụng các dịch vụ trên môi trường internet. Tính ra, cứ hai người ở Việt Nam vào mạng internet, có một người sử dụng dịch vụ của VinaGame.
Song chưa có cơ hội kinh doanh
Với hàng triệu lượt truy cập trong tháng, MXH ở Việt Nam có thế mạnh trong truyền dẫn thông tin. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước lập các trang riêng trên các MXH để cung cấp thông tin, tương tác với cộng đồng sử dụng. Do khả năng phát tán thông tin nhanh và khó kiểm soát, MXH cũng là nỗi e ngại với các nhà quản lý doanh nghiệp. Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, giám đốc công ty tiếp thị kỹ thuật số Emerral (TP.HCM) đánh giá: “Sức mạnh và tốc độ lan truyền thông tin trên MXH làm nhiều công ty mua các công cụ “thám báo”, để nghe ngóng dư luận nói gì về doanh nghiệp và sản phẩm để từ đó định hướng kinh doanh sản phẩm”.
Do đa số người dùng internet ở Việt Nam thuộc giới trẻ, nên nhiều doanh nghiệp sử dụng MXH để xây dựng thương hiệu, khuếch trương hình ảnh… Trước và trong các đợt lưu diễn của các ngôi sao ca nhạc của Hàn Quốc tại Việt Nam, công ty tổ chức sự kiện sử dụng MXH như Zing, Facebook để tạo hiệu ứng lan truyền. Ông Vương Quang Khải, phó tổng giám đốc công ty VinaGame cho rằng, MXH Zing Me có lượng người dùng ở độ tuổi từ 18 – 25. Nhóm khách hàng này đang là đối tượng khách hàng tiềm năng của rất nhiều nhãn hàng trong mọi ngành nghề, sản phẩm dịch vụ khác nhau như: công nghệ, hàng tiêu dùng nhanh, thời trang, ăn uống, giải trí, viễn thông di động, xe cộ…
Tuy chiếm được số lượng người dùng, có khả năng ảnh hưởng lớn về thái độ, hành vi tiêu dùng, song doanh nghiệp sở hữu MXH ở Việt Nam chưa thể biến các con số như lượt truy cập, thời gian sử dụng ở một MXH thành tiền. Theo thống kê của hiệp hội Thương mại điện tử, ước tính thị trường quảng cáo trên mạng internet của Việt Nam năm 2011 khoảng 70 triệu USD. Theo các chuyên gia về quảng cáo số, nếu tách biệt doanh số của MXH, Facebook thu được 6 triệu USD từ quảng cáo ở thị trường Việt Nam. Con số này, theo giới kinh doanh, mang tính phỏng đoán vì hiện nay cơ quan chức năng không có công cụ kiểm soát hoạt động của các công ty không có mặt tại thị trường Việt Nam. Ông V.P, người chuyên nghiên cứu về thị trường quảng cáo internet cho rằng, MXH tại Việt Nam sống được nhờ nguồn vốn đầu tư ban đầu hoặc từ các dịch vụ trên các công cụ khác chia sẻ, gánh vác. “Nếu áp dụng chính sách tự thu tự chi, các MXH của Việt Nam không thể nào trụ được trong vòng một năm”, ông V.P nói.
Dù là một MXH có lượng người dùng lớn nhất, khách hàng đông nhất nhưng Zing Me vẫn không thu hút được khách hàng quảng cáo. Theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, hiện trên mạng Zing Me có hai hình thức thu tiền, hoặc là “ăn chia” với các nhà phát hành trò chơi trên MXH, hoặc thu phí từ doanh nghiệp mở trang riêng. Còn giám đốc điều hành của một MXH (đề nghị không nêu tên) cũng chia sẻ: “Hiện nay, sự quan tâm của các doanh nghiệp với MXH trong nước còn quá yếu, chỉ tập trung vào những MXH có uy tín như Facebook. Tôi đã từng gặp nhiều doanh nghiệp nhưng họ chỉ nói về Facebook. Dù đông, nhưng khách hàng của chúng tôi chưa quyết định đến chuyện mua sắm nên doanh nghiệp không muốn quảng cáo”.
Gia Vinh
Theo SGTT.VN 

 

Bình luận (0)