Khu nhà trọ trên đường A2 phường Phước Long B, Q.9 chờ người đến thuê. Ảnh: N.HẢI |
Cuối năm 2008, nền kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kéo theo người lao động mất việc hàng loạt. Việc kinh doanh nhà trọ càng khó khăn hơn khi những ngày đầu năm, một số doanh nghiệp lại có thông báo cắt giảm lao động. Điều này làm cho người sống bằng nghề cho thuê nhà trọ cũng chỉ biết kêu trời…
Qua rồi thời hoàng kim
Địa bàn quận 7 có khu chế xuất (KCX) Tân Thuận hay huyện Bình Chánh có khu công nghiệp Tân Tạo, khu công nghiệp Lê Minh Xuân thu hút hàng trăm ngàn lao động đến từ các tỉnh thành trên cả nước. Đáp ứng nhu cầu về chỗ trọ cho công nhân, nhiều khu nhà trọ mọc lên như nấm. Kinh doanh nhà trọ lúc bấy giờ là nghề nhàn hạ mà lợi nhuận cao. Song song đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều địa phương chuyên canh cây lúa cũng đã thay da đổi thịt bởi những khu nhà cao tầng, các cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, nhà nhà, người người dù không muốn cũng phải bỏ cây lúa, cái cày, con trâu để chuyển sang cái nghề “ngồi chơi xơi nước”, đợi đến tháng lấy tiền.
Hơn 7 năm kinh doanh nhà trọ, giờ đây bà Hồng (phường 5, quận 8) cũng phải… “ngồi đồng” chờ người đến hỏi thuê. Bà Hồng cho biết: “Khoảng tháng 10, tháng 11-2008 lúc nào cũng có người đến hỏi thuê phòng, mà lúc đó phòng đâu nữa mà cho thuê, lắc mỏi cả cổ còn bây giờ chẳng có ai đến hỏi”. Dãy phòng trọ nhà bà Hồng có đến chục phòng, mỗi phòng bà cho thuê với giá từ 700 đến 850 ngàn đồng. Hiện nay, chỉ có hai phòng có người ở. “Chú thấy đó, thu hai phòng hơn triệu bạc thì lấy gì mà sống. Khổ nỗi đám con nhà tôi có đứa nào có nghề ngỗng gì ra hồn đâu, mọi chi tiêu sinh hoạt của cả 5 miệng ăn đều trông chờ vào tiền cho thuê phòng”, bà Hồng tâm sự.
Cùng cảnh ngộ như bà Hồng, ông Trần Sáng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) ngày đêm trông đứng trông ngồi những công nhân thuê phòng của ông trở lại. Ông Sáng cho biết: “Có đứa còn nợ tôi gần cả triệu bạc tiền phòng chứ có ít ỏi gì đâu. Tụi nó để lại đồ đạc ở đây nhưng toàn những thứ không đáng giá như xe đạp, bếp gas mini, xoong nồi…”. Sao ông không cho người khác thuê? Tôi hỏi. “Tôi treo tấm bảng ở ngay đầu hẻm đã hơn mười ngày nay rồi nhưng chỉ có một, hai đứa đến hỏi rồi cũng không thấy dọn tới”, ông Sáng trả lời. Qua tìm hiểu, được biết số công nhân thuê nhà của ông Sáng trước đây phần lớn đều làm ở một xưởng may trên địa bàn. Xưởng may này cũng đã chính thức đóng cửa vào những ngày cuối năm 2008.
Công nhân mất việc làm vào cuối năm 2008 và kéo dài đến đầu năm 2009 cũng đã làm hạ nhiệt cơn sốt nhà trọ ở các quận, huyện ngoại thành. Ở quận 9, Thủ Đức dãy trọ nào cũng có từ một đến ba phòng trống, mà nguyên nhân chủ yếu các công nhân sau khi nghỉ tết không quay lại nữa. Dãy nhà trọ của ông Tài ở đường Linh Đông (Thủ Đức) có 20 phòng, trước tết phòng nào cũng 5 – 6 người vậy mà bây giờ còn đến 6 phòng trống. Các phòng có người ở cũng không còn đủ người như trước.
Giá vẫn cao
Trong số các chủ nhà trọ mà tôi tiếp xúc, có ông Tám Thành (phường Tân Thuận Đông, quận 7) là người mới đến với nghề kinh doanh nhà trọ chỉ hơn một năm nay nhưng không được suôn sẻ lắm. Ông Thành có 6 phòng cho thuê. Phòng trọ của ông thuộc hạng khá sang trọng. Phòng rộng gần 20m2, nền lát gạch bông, gác đúc hẳn hoi chính vì vậy giá thuê phòng cũng rất cứng. Tuy nhiên từ ngày đi vào hoạt động đến nay, ông chỉ thu đúng hai tháng tiền nhà, số còn lại là nợ và đến giờ này con nợ cũng đã biến mất. ông Thành phân trần: “Tui già cả rồi không còn sức làm thuê làm mướn. Ngày xưa đất nhà nhiều lắm nhưng lúc trước khổ quá bán hết rồi, còn một miếng tôi quyết định đi vay mượn ngân hàng, người thân để xây nhà trọ. Làm đơn giản vậy chứ cũng mất hơn 200 triệu vì làm ngay thời điểm vật liệu tăng giá. Tôi rầu lắm, không có ai đến thuê mướn kiểu này thì lấy đâu ra tiền trả nợ huống hồ chi chuyện lấy lại vốn”.
Người thuê phòng của bà Sương (phường Tân Quy, quận 7) sau tết hầu hết đã có mặt đông đủ nhưng bà Sương cũng không lấy làm vui. “Cả chục đứa ở nhưng phần lớn làm thợ hồ. Cực chẳng đã trước tết công nhân ở KCX Tân Thuận thất nghiệp bỏ về quê mới cho tụi thợ hồ ở để lấp vào chỗ trống chứ thợ hồ ở không bền, ở dăm ba tháng lại chuyển đi, mất công mình lên xuống phường đăng ký, khai báo”, bà Sương nói.
Còn dãy trọ nằm sâu trong con hẻm phía sau Trường ĐH Giao thông Vận tải (quận 9) cũng không khá hơn khi có đến 4 phòng trống đang “đợi người”. Dãy trọ này phần lớn là các công nhân KCX Linh Trung 1, các công ty ở quận 9 thuê ở. Nếu trước tết, ở khu vực này, phòng 14m2, ở 4 người có giá 600 ngàn đồng/phòng, thì nay chủ nhà giảm xuống từ 50-70 ngàn đồng. Anh Trần Văn Hưởng, công nhân trọ trên đường Hoàng Diệu (Thủ Đức) nói: “Phòng tôi ở 3 người, giá 600 ngàn. Sau tết, mấy ông bạn không quay lại, chỉ còn mình tôi nhưng chủ trọ vẫn không chịu giảm giá, mà chỉ bớt có 100 ngàn. Một mình gánh tiền phòng 500 cũng rất khó, nên tôiđành tìm phòng khác ở ghép cho rẻ hơn”.
Chị Thuận – chủ của 10 căn phòng trọ tại đường 40 (quận 9) tự tin nói: “Nhà tôi hiện còn 6 phòng chưa có người đến thuê nhưng tôi không thể giảm giá được. Tôi cố gắng đợi hết tháng 2 rồi mới cho thuê, khi đó đông người lắm”.
Tuy An – Nguyên Hải
Bình luận (0)