Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Kinh doanh rắn độc lỗ cả trăm triệu đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Giá bán rắn giảm quá nửa so với thời kỳ hoàng kim khiến những hộ nuôi ở làng nghề Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc khó có lãi, trong khi nợ ngân hàng chồng chất.

Trừ tiền vốn và thức ăn, người nuôi rắn trước kia lãi khoảng 300.000 đồng mỗi con. Nhưng nay giá rắn xuống thấp nên lỗ 50.000 – 100.000 đồng/con.

Nuôi rắn là nghề truyền thống của người dân Vĩnh Sơn, phát triển rất mạnh trong chục năm trở lại đây. Nhưng hiện tại, giá rắn bán ra quá thấp khiến người nuôi lo lắng.

Nhà ông Phùng Văn Tiến có khoảng 500 lồng rắn, trước đây, đó là cả cơ nghiệp nhưng giờ lại là mối lo lớn của gia đình. Ông kể, mấy năm trước nuôi rắn rất khá, có thời điểm giá bán thành phẩm lên đến 1,2 triệu/kg, rẻ cũng một triệu hoặc khoảng 300.000 đồng mỗi con.

Nhưng chuyện làm giàu từ rắn đã là quá khứ. Do sản phẩm chủ yếu được bán nguyên con còn sống sang Trung Quốc để lấy nọc và làm thịt nên khi giá bên đó giảm thì giá ở Việt Nam cũng xuống theo.

“Người dân ở đây cũng không ai lý giải nổi tại sao giá bán rắn lại xuống thấp như thế. Chỉ biết họ chỉ trả giá phân nửa so với ngày trước, mình không bán thì thôi”, anh Tuấn, một người nuôi rắn trong làng cho biết.

Hiện tại, giá bán rắn hổ mang loại một (trên 1,7 kg) chỉ còn 480.000 đồng – 490.000 đồng/kg, loại 2 (1,2 – 1,7 kg) là 400.000 đồng/kg, loại 3 (dưới 1,2 kg) chỉ còn 300.000 đồng/kg.

Mức giá đầu ra thấp hơn quá nửa so với thời kỳ đỉnh điểm, trong khi chi phí đầu tư đến khi mỗi con rắn xuất chuồng vẫn tốn đến 550.000 – 600.000 đồng. Do đó, với mỗi con rắn, người nuôi lỗ từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng.

Người dân ở đây ngoài làm ruộng và nuôi rắn thì không còn nghề nào khác. Được sự hỗ trợ của ngân hàng cho làng nghề, nhà nào cũng vay tiền để nuôi rắn. Cả xã Vĩnh Sơn hiện có khoảng 1.300 hộ với khoảng 5.700 nhân khẩu thì có tới 850 hộ nuôi rắn, nhà ít thì nuôi 200 con, nhà nuôi nhiều lên đến 2.000 con. Do đó, khi giá rắn xuống thấp, các hộ dân ở đây có nguy cơ lỗ từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Rắn không khó bán, muốn bán chỉ cần gọi trước một hôm là có thương lái đến nhập nhưng giá xuống quá thấp nên không ai trong làng dám chịu lỗ quá nhiều để đẩy hàng. Dẫu vậy, họ cũng chẳng biết làm gì khác ngoài đợi giá lên. Ngoài công việc này, họ cũng không còn nghề nào khác để mưu sinh, chưa kể khoản nợ ngân hàng vẫn đè nặng ngày ngày.

500 con rắn trước kia là cả cơ ngơi với ông Tiến nhưng nay lại là mối nguy lỗ nặng khi giá thành phẩm quá thấp.
500 con rắn trước kia là cả cơ ngơi với ông Tiến nhưng nay lại là mối nguy lỗ nặng khi giá thành phẩm quá thấp..

Bước vào chuồng nuôi rắn nhà ông Tiến, người yếu tim sẽ khó có thể chịu nổi. Có cả trăm con rắn hổ mang háu đói với những tiếng khêu khẹc khẹc ghê người được nhốt trong những chiếc lồng nhỏ.

Mỗi lần cho ăn, ông Tiến lại phải dùng một chiếc kẹp tự làm gắp đĩa thức ăn đã chuẩn bị sẵn gồm có cóc và rắn nước bỏ xuống. Sau đó lại phải dùng kẹp ghì đầu rắn xuống nếu không chúng có thể ngoi lên cắn người bất kỳ lúc nào.

Tuy vậy, dường như đã quen, người dân ở đây rất bình tĩnh với những con rắn độc, họ cho ăn rất điềm tĩnh với những bàn tay rắn chắc và không hề có sự run rẩy, không một giọt mồ hôi.

Rắn được nuôi ở đây là hổ mang và hổ chúa. Chúng là những loại có nọc cực độc, nếu bị cắn con người sẽ bị tê liệt rất nhanh và chết chỉ sau vài giờ nếu không được sơ cứu.

Ông Tiến kể: “Năm nay và năm ngoái thì chưa thấy ai chết vì rắn cắn chứ các năm trước thì ít nhất một người thiệt mạng. Cùng với đó là khoảng vài chục người bị rắn cắn phải nhập viện. Khi bị rắn cắn phải thật nhanh hút nọc độc ra và đến bệnh viện gần nhất. Thường thì những ca nặng sẽ xuống bệnh viện Bạch Mai, sau đó thì về làng bốc thuốc nam chữa bệnh”.

“Làm nghề này cả chục năm nay chẳng còn sợ rắn cắn nữa, nhiều đêm rồi mất ngủ không phải vì sợ sinh nghiệp tử nghiệp mà lo giá cả còn xuống thêm”, ông Tiến tâm sự.

Theo Tiến Mách
Tri Thức

Bình luận (0)