|
Sau thời gian hoạt động, Trung tâm Saigon Paragon đã phải đóng cửa chuyển giao cho đơn vị khác – Ảnh: N.Bình |
Đến nay vụ lùm xùm giữa người đi thuê và nhà quản lý Trung tâm thương mại Kumho Asiana vẫn chưa tìm được lối ra. Hiện tại trung tâm này chỉ còn khoảng năm gian hàng đang bám trụ và nhất quyết đòi được giải quyết hợp lý từ phía nhà quản lý. Các gian hàng này vẫn đóng các chi phí thuê mặt bằng, phí quản lý hằng tháng đầy đủ dù không bán nổi một sản phẩm nào, trung tâm luôn trong tình trạng vắng hoe.
Đóng cửa vì ế
Trước đó, do tình trạng kinh doanh ế ẩm, ban quản lý Trung tâm Kumho Asiana ra thông báo khách hàng có thể thanh lý hợp đồng cho thuê trước thời hạn nhưng sẽ không được hoàn tiền cọc (hai tháng thuê). Đáp trả sự bất bình của doanh nghiệp là sự im lặng từ ban quản lý trung tâm.
Nhiều doanh nghiệp thuê tại đây cho biết chính do sự quản lý yếu kém của ban quản lý đã dẫn đến tình cảnh một trung tâm thương mại nằm ngay vị trí đắc địa nhưng khách lèo tèo, các chương trình khuyến mãi cũng không thu hút được khách.
Trường hợp đóng cửa của Trung tâm thương mại Saigon Paragon (Q.7, TP.HCM) đầu tháng 10 cũng được chủ đầu tư thừa nhận là thất bại trong quản lý. Bà Lê Hoài Anh – tổng giám đốc Công ty cổ phần Kim Cương, đơn vị quản lý trung tâm trên – cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ bước vào kinh doanh, quản lý mô hình trung tâm thương mại nên ngay sau khi đi vào hoạt động đã xuất hiện nhiều sơ sót khiến tình hình kinh doanh không như mong muốn”.
Theo nhiều khách thuê, một trung tâm thương mại đóng cửa là chuyện không ai muốn, nhưng hàng loạt vấn đề liên quan như hoàn trả và bồi thường tiền cọc, đền bù thiệt hại về chi phí đầu tư phần cứng (quầy hàng), doanh thu tổn thất… thường bị chủ đầu tư lơ.
Chưa hấp dẫn khách
Khó nhưng vẫn cố vào
Chị Thanh, chủ đầu tư chuỗi cửa hàng thời trang giày cao cấp, cho biết các điều khoản trung tâm thương mại đưa ra với khách đi thuê khá ngặt nghèo như hồ sơ nhận diện thương hiệu, giá bán, khả năng tài chính… “Phần lớn doanh nghiệp phải “cắn răng” vào trung tâm thương mại vì khoản phí khá lớn, bù lại hiệu quả định vị thương hiệu, hình ảnh rất tốt mà doanh số bán ra chắc chắn cũng khả quan hơn” – chị Thanh cho biết.
|
Trong khi TP.HCM đang đứng trước nguy cơ bội cung mặt bằng bán lẻ trong vài năm tới thì các đơn vị tư vấn bất động sản vẫn lạc quan với động thái đua nhau xây trung tâm thương mại. Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 102 siêu thị và 28 trung tâm thương mại. Ước tính đến năm 2013, TP.HCM sẽ có 740.000m2 sàn trung tâm thương mại, tăng hơn hai lần so với hiện nay, khi các chủ đầu tư đang chạy đua triển khai dự án mới.
Số lượng trung tâm thương mại tăng nhanh như vậy, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ không đơn giản chút nào.
“Sự phát triển của thị trường bán lẻ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển lớn mạnh của tầng lớp trung lưu và thượng lưu, nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ. Nhiều trung tâm thương mại lâm vào cảnh khó khăn là do hàng hóa cao cấp, người dân vào thư giãn, dạo chơi dịp cuối tuần nhiều hơn mua sắm” – bà B.M.T., giám đốc công ty kinh doanh đồ chơi trẻ em M, cho biết.
Ông Tham Tuck Choy, giám đốc chuỗi siêu thị Parkson VN, cho biết doanh số của đơn vị tại VN tăng trưởng bình quân 30%, nhưng so với kế hoạch ban đầu thì chưa đạt chỉ tiêu. Khách các trung tâm hiện nay gồm: du khách chiếm 5%, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại VN 10%, còn lại là người dân bản địa. “Sức mua của nhóm khách hàng này đang tăng nhưng không đều” – ông Choy đánh giá.
Theo công bố của các trung tâm, hiện nay giá mặt bằng tại trung tâm quận 1, TP.HCM dao động 70-180 USD/m2 bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí dịch vụ. Trong quá trình kinh doanh, nhà bán lẻ cho thuê mặt bằng thường chọn hình thức chia doanh số với người đi thuê. Mức chia thông thường theo tỉ lệ 22-25%, do đó bên đi thuê chỉ còn 75-78%. Ở một số ngành hàng như mỹ phẩm, trang sức tỉ lệ phần trăm chia cao hơn.
Nếu so với các nước có ngành bán lẻ phát triển nhanh hơn như Thái Lan, Malaysia chỉ 15-18% thì rõ ràng rất khó kiếm được lợi nhuận khi kinh doanh tại các trung tâm thương mại.
Dù thị trường bán lẻ được đánh giá có nhiều triển vọng nhưng thực tế TP.HCM vẫn có những khu thương mại, đặc biệt các địa điểm ở ngoại thành, hoạt động không hiệu quả. Những điểm bán lẻ này thường vắng khách, còn nhiều mặt bằng trống, thậm chí một số gian hàng dịch vụ tạm thời đóng cửa vì quá ế ẩm. Sau một thời gian không cầm cự được, một số trung tâm chọn phương án đóng cửa và chuyển giao cho nhà bán lẻ mới.
Theo các chuyên gia, kinh doanh mặt bằng bán lẻ hiện đại đang là xu hướng phát triển chung. Ở VN hình thức này còn tương đối mới mẻ nên doanh nghiệp cần lường trước những rủi ro khi đặt bút ký kết với ban quản lý.
Bình luận (0)