Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh doanh xăng dầu: Có nên gỡ nút thắt cho nền kinh tế?

Tạp Chí Giáo Dục

Giá xăng dầu thế giới đã hạ nhiệt, thuế nhập khẩu đã về 0%. Các cơ quan quản lý có nên sớm vào cuộc để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện giảm giá, gỡ nút thắt chi phí đầu vào cho nền kinh tế?

Giá dầu thô thế giới đã hạ xuống mức dưới 100USD/thùng. Giá xăng dầu thành phẩm cũng giảm nhiệt. Đặc biệt khi mà mức thuế nhập khẩu xăng dầu là 0%, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có lãi…
Thế nhưng các doanh nghiệp này một mặt kiến nghị chưa nâng thuế nhập khẩu, đồng thời cũng chưa giảm giá bán lẻ xăng dầu. Vậy các cơ quan quản lý có nên sớm vào cuộc để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện giảm giá, gỡ nút thắt chi phí đầu vào cho nền kinh tế? 

Tăng nhanh – tăng cao… chậm giảm giá

Cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam – trong đó thể hiện rõ nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh chính là do tác động của giá xăng dầu – chi phí đầu vào của hàng loạt lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác. Chính vì thế, kỳ vọng vào việc khi có cơ hội, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ giảm giá là một trong những yếu tố được coi là “nút thắt” cho nền kinh tế. 
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là khi có cơ hội giảm giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại không thực hiện.
Theo bản tin của Petrolimex phát hành ngày 1/6 thì doanh nghiệp này nhận định: Trong tháng 5/2011, giá dầu có xu hướng giảm.
Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là tháng mà giá dầu ít biến động nhất kể từ đầu năm nay. Giá dầu thô WTI bình quân tháng 5/2011 là 101,33USD/thùng, giảm 7,92% so với cùng kỳ tháng.
Đây là tháng đầu tiên trong 9 tháng qua giá dầu giảm. Trong khi đó tại cuộc họp ngày 6/6, Petrolimex cho biết tính chung cả tháng 5/2011, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu thấp hơn tháng 4/2011 từ 1% đến hơn 8%. Trong đó, diesel 0,05S giảm mạnh nhất, tới 8,32%, còn xăng A92 giảm ít nhất, 1,27%.
Với mức giá này và sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp lãi khoảng 300đ/lít dầu (nếu tính bình quân 30 ngày dự trữ lưu thông) và khoảng 600đ/lít dầu (nếu so sánh giá nhập theo ngày). Riêng mặt hàng xăng A92, doanh nghiệp bắt đầu bớt lỗ, thậm chí có doanh nghiệp đã hòa hoặc lãi.
Rõ ràng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang tiếp tục với điệp khúc “tăng nhanh – tăng cao nhưng chậm giảm giá”. Trước đó – ngày 24/2, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã tăng giá xăng A92 từ 16.400đ/lít lên 19.300đ/lít. Sau đó hơn 1 tháng – ngày 29/3, các doanh nghiệp này lại tăng giá xăng A92 lên 21.300đ/lít – tương ứng với mức tăng gần 5.000đ/lít. Tương tự sau 2 lần tăng giá, diesel cũng tăng thêm 6.300đ/lít, dầu hỏa tăng 5.700đ/lít và madút tăng hơn 4.000đ/kg.
Nên gỡ nút thắt chi phí đầu vào
Theo thông tin từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý thì cho đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nào có phương án giảm giá bán lẻ xăng dầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp này còn kiến nghị Nhà nước chưa nên tăng thuế nhập khẩu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kéo dài thời gian để bù đắp các khoản lỗ trước đó. Hiện nay, mức thuế này đang là 0%.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại là theo thông tin mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì đến nay các doanh nghiệp này đã có lãi đối với mặt hàng dầu, còn mặt hàng xăng thì bớt lỗ, thậm chí là có doanh nghiệp đã hòa hoặc lãi. Như vậy có thể khẳng định đây chính là thời điểm các doanh nghiệp nên giảm giá bán lẻ xăng dầu, qua đó gỡ nút thắt cho nền kinh tế mà cụ thể là chi phí đầu vào cho hàng loạt các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng trong suốt thời gian qua, Nhà nước và NTD đã cùng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chung sức chia sẻ gánh nặng giá xăng dầu. Cụ thể là Nhà nước giảm thuế nhập khẩu, NTD thì chấp nhận sự tăng giá ở mức cao như hiện nay. Chính vì thế, với mối quan hệ “cân bằng lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – NTD” thì đây là lúc doanh nghiệp cũng cần chia sẻ gánh nặng giá với NTD hoặc nghĩa vụ với Nhà nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh là cơ quan quản lý cần cân nhắc lợi ích. Cụ thể vào thời điểm này thì các doanh nghiệp nên giảm giá xăng dầu, qua đó ưu tiên giảm chi phí đầu vào cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu chưa thể giảm ngay giá xăng thì các doanh nghiệp cũng nên giảm giá ở mức độ có thể đối với các mặt hàng dầu. Đây được cho là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu lạm phát cũng như góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Nguồn LAO ĐỘNG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)