Hàng chục hộ sống ven sông Nhuệ, đoạn qua huyện Kim Bảng (Hà Nam) sáng nào cũng ra sông hái rau muống về bán. Điều đáng nói là, con sông này đang ô nhiễm ở mức báo động, nước đen kịt…
Không ai kiểm soát
Đoạn sông Nhuệ chảy qua huyện Kim Bảng dài khoảng 10km, nước chảy chậm. Nhiều năm qua người dân sống ven hai bên bờ sông thường thả “rau muống bè” ven sông để ăn, bán và cho lợn. Vài năm gần đây, do lượng nước thải từ khác khu công nghiệp đổ về nhiều khiến nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng nề. Dù vậy, người dân vẫn vô tư trồng và hái rau bán cho các tiểu thương ở Hà Nội.
Những đám rau muống trồng ven sông Nhuệ hàng ngày
vẫn được người dân cắt bán.
Dọc đoạn sông này, đâu đâu cũng thấy rau muống, rau mọc lan ra từ hai bên bờ sông gần kín cả mặt sông. Cứ sáng sớm, hoặc về chiều có đến hàng chục người dùng thuyền nhỏ chèo ra hái rau về bán.
Chị Nguyễn Thị Hằng – người dân ở thôn Yên Lão, xã Hoàng Tây đang hái rau dưới sông vô tư nói: “Cũng nhờ có dòng sông Nhuệ “bẩn”, mà chúng tôi kiếm được món hời. Trồng rau trên ruộng còn phải chăm sóc, bón phân, ở đây cứ trồng một lần là rau lan ra kín mặt sông lại không phải bón phân mà rau vẫn xanh tốt”.
Theo chị Hằng, phần lớn rau muống ở đây đều nhập cho các lái buôn ở Hà Nội, với giá 1.500 – 2.000 đồng/bó. Nhúng những bó rau xanh mơn mởn dưới dòng nước đen ngòm để rửa, chị Lê Thị Hoa ở thôn Yên Lão cho biết: “Trung bình mỗi buổi sáng tôi hái 100 bó, ngày nào rau bán chạy thì hái 150 – 200 bó, mình không phải đầu tư nên cứ bán được đồng nào hay đồng đấy”.
Tồn tại… 10.000 loại vi khuẩn gây bệnh
Theo ước tính của chúng tôi, mỗi ngày có hàng nghìn bó rau muống bẩn hái từ sông Nhuệ được đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội. Chị Trần Thị Dung ở huyện Thanh Trì – một người chuyên lấy rau muống từ Kim Bảng về đổ cho các chợ cóc ở Hà Nội cho hay:
“Giá rau dù giảm nhưng vẫn khá cao, nếu lấy “rau sạch” thì không có lãi, chịu khó đi xa còn kiếm thêm được vài đồng lãi. Ngày nào tôi cũng lấy ở Kim Bảng 1.000 bó, chất lượng thì không biết, nhưng mẫu mã rất đẹp”.
Được biết, sông Nhuệ chảy qua địa bàn Hà Nội và một số huyện thuộc Hà Tây cũ, dọc khúc sông này có đến 116 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khoảng 300 làng nghề. Mỗi ngày các cơ sở này xả khoảng 32.000m3 nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp xuống dòng sông này.
Ông Trần Khắc Thi – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho biết: Rau trồng trên sông đang bị ô nhiễm nặng như sông Nhuệ, sông Đáy, thì lượng kim loại nặng, hóa chất, vi sinh vật chứa trong rau càng lớn. Người ăn phải rau muống có hàm lượng các chất như NH4, COD, BOD vượt quá mức cho phép lớn sẽ gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn, ảnh hưởng đến tim mạch, não…
Theo số liệu quan trắc các mẫu nước ở sông Nhuệ của Sở TNMT Hà Nam, hầu hết các hàm lượng đều vượt quá mức cho phép như: NH4 vượt tiêu chuẩn từ 96 – 360 lần; COD vượt 12 – 72 lần; BOD vượt 4,5 – 25 lần… Trong đó, cứ khoảng 100ml nước qua xét nghiệm CPS cho thấy có khoảng gần 10.000 vi khuẩn gây bệnh và 75 vi khuẩn kị khí.
Còn bác sĩ Lê Văn Tuấn – Trưởng trạm Y tế xã Hoàng Tây (Kim Bảng) cho biết: “Thời gian gần đây, ở xã có rất nhiều người bị bệnh tiêu chảy, nhất là trẻ em. Tỷ lệ trẻ em bị bệnh giun đũa chiếm 86%, giun tóc 76%. Khoảng 53% phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa…”.
Đó là minh chứng rõ nhất về tình trạng nguồn nước ô nhiễm trầm trọng, và sự bàng quan với an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân sống dọc bờ sông Nhuệ – đoạn qua huyện Kim Bảng.
Nam Tùng Sơn
(Dân Việt)
Bình luận (0)