Tòa soạnThư đi – tin lại

Kinh hoàng teen “lập dị”

Tạp Chí Giáo Dục

Một teen nữ với chiếc quần jean “quái gở” (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Hiện nay, có một bộ phận thanh thiếu niên “lập dị” trong cách ăn mặc và thể hiện qua cả ngôn ngữ khi trò chuyện. Với các teen “lập dị”, đây là phong cách hiện đại của giới trẻ, còn trong mắt nhiều người đó là những hình ảnh phản cảm.
Ngứa hai con mắt
Bước ra từ cổng chính Nhà Văn hóa Thanh Niên, hai cô cậu tuổi chừng 14, 15 tay trong tay, nói cười rộn rã. Cậu trai với kiểu ăn mặc, tóc tai nhìn chướng mắt, quần rộng thùng thình kéo lê dưới đất, áo model theo kiểu chắp vá nhiều chỗ, nhiều màu với hình của 12 con giáp. Tóc cậu ta nhìn thấy là phải “kính thưa các loại màu”. Còn cô gái kia với chiếc quần trễ lộ rốn, áo hai dây mỏng như lá lúa, tóc thì cũng bảy sắc cầu vồng như để “hợp với dáng anh”.
Theo cô bán hàng nước gần đó thì hai cô cậu vào Nhà Văn hóa Thanh Niên để gửi xe và đi bộ sang Công viên 30-4 ngồi hóng mát. Tôi cũng nhanh chóng quay xe để chạy sang phía công viên. Ở đó, có mấy cặp đôi cũng với những bộ trang phục không giống ai đang ngồi đợi bạn đến. Tôi tiến đến gần giả vờ hỏi thăm người em đã bỏ nhà đi bụi vì gia đình phản đối kiểu ăn mặc quái gở giống các teen đang tụ tập ở đây. Một teen nữ làm ra vẻ người lớn, đối đáp: “Con, em, hay cháu chắt của mấy người đi bụi thì đến chỗ khác mà kiếm, làm mất hứng”. Nghe cô gái trả lời, mặt tôi cứng đơ như khúc củi, không biết phải tiếp tục thế nào. Thấy vậy, teen nam tên Tuấn (tôi vừa nghe một người trong nhóm gọi) hỏi lại: “Thế nó tên gì, học trường nào, bi nhiêu tuổi?”. “Nó tên Yến, 14 tuổi, học Trường THCS Cầu Kiệu” – Tôi nói đại thế. Thấy cả nhóm im lặng, tôi ra vẻ thất vọng và quay xe đi thì Tuấn hỏi với theo: “Nó có chơi với nhóm đi xe ruồi không?”. “Có!”, tôi lại nói cho qua chuyện.
Từ thông tin của Tuấn, tôi tìm đến quán cà phê ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn tiếp giáp với cầu Bông, quận Bình Thạnh nơi nhóm teen lập dị họp mặt, thường đi lại bằng xe ruồi vào những ngày cuối tuần. Tôi gọi một ly cà phê đá tiện thể hỏi thăm cô phục vụ về thông tin nhóm teen lập dị mà tôi cần tìm. Cô gái phục vụ tên Trang tỏ ra ngơ ngơ ngáo ngáo trước cụm từ “teen lập dị” mà tôi vừa hỏi. Sau một hồi giải thích, Trang mới hiểu. “Anh muốn làm quen với con bé nào trong nhóm đó hả? Nhóm này có 6 người, 3 nam, 3 nữ, tụi nó có đôi có cặp hết rồi!”. Trầm ngâm hồi lâu, Trang đề nghị: “Nếu anh muốn gặp thì đợi, hôm nay thứ bảy thế nào tụi nó cũng tới”. Không uổng phí cho khoảng thời gian đi lại, chờ đợi. Từ phía quầy thu ngân, Trang lại gần tôi bỏ nhỏ: “Tụi nó đến”.
Đi hàng đầu là một cậu choai choai, ăn mặc cũng thư sinh lắm chứ không “lập dị” như tôi tưởng. Ấy là lúc cậu ta chưa lấy chiếc nón lưỡi trai xuống. Hỡi ôi, mái tóc chải dài xuống một bên trán, đấy là kiểu mà tôi thường thấy trong phim Hàn. Chưa hết, còn hai chiếc khoen, một đeo ở tai và một chiếc nhỏ màu bạc hình viên đạn đeo ở trán, cặp bên chân mày trái.
Kinh hoàng văn hóa teen!
Không nói bằng thứ ngôn ngữ chát khó nghe, khó hiểu mà các teen lập dị ngày nay lại nghĩ ra ngôi thứ trong xưng hô không hề có trong tiếng Việt, nghe rất khó chịu. Chẳng hạn: “Bà cóc đó giờ này chưa đến!” hay như “Thằng cùi đó sò lông quá!”; “Tối qua bà đi với tài nào?”… Nghe các teen lập dị nói chuyện mà choáng váng, tôi phải cầu viện đến Trang. Theo Trang giải thích: “Bà cóc” là danh từ mà các teen thường sử dụng khi gọi một thành viên nữ nào đó trong nhóm. “Thằng cùi” cũng thế, một thanh niên nào đó lành lặn, không có ý chê bai mà là thân mật, còn “sò lông” là trùm sò, keo kiệt. Đi với tài nào có nghĩa là đi chơi với ai?…
Trông kiểu ăn mặc đã lập dị, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cũng bó tay. Tôi kịp ghi lại một mẩu đối thoại giữa hai teen nữ, nội dung câu chuyện không có gì ghê gớm nhưng vì có những từ đệm không được tế nhị cho lắm nên tôi chỉ trích lược lại. “Thằng thầy chủ nhiệm của bà khó tính không? Khó “pó” háng luôn nhưng được cái trẻ và đẹp trai. Còn con mẹ lùn chủ nhiệm của tao chỉ có cái nước da trắng còn khuôn mặt nhìn muốn ói, xấu xí vậy mà thích làm chuyện lạ…”.
Xuất phát từ sự thiếu tôn trọng, ý thức kém mà nhiều teen có những mẩu bình phẩm về thầy cô giáo của mình như vậy. Mẩu đối thoại sau đây cũng của hai teen nói về cha mẹ của mình, nghe mới đau cái đầu: “Con mẹ già nhà tao (mẹ-PV) lúc này bồ bịch lăng nhăng hay gì ấy, cha ròm hai lúa (bố) mà biết được là chém nát thây. Sao thằng chả không theo dõi thử? Thôi kệ, làm gì kệ bà miễn là ngày nào cũng cung cấp tiền mua sắm là được. Bố già mày không biết gì à? Tui nói bà nghe, thằng chả khờ lắm… đã nói hai lúa mà”.
Ăn mặc chẳng giống ai, câu từ rẻ rúng, kém văn hóa trong văn nói và cả văn viết lan truyền nhanh trong giới teen như một trào lưu cần được ngăn chặn, lên án.
Nguyên Thảo

 

Bình luận (0)