Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Kinh nghiệm chọn người đại diện: Không nên dùng người thân

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bóng đá, nghề đại diện cầu thủ có vai trò rất lớn. Một người đại diện tồi sẽ là kẻ “đào huyệt” cho sự nghiệp của cầu thủ ấy.
Đại diện cầu thủ sẽ thay mặt thân chủ tìm kiếm đội bóng tốt nhất, thương thảo mức lương thưởng cao nhất, đàm phán chuyển nhượng hoặc gia hạn hợp đồng theo hướng có lợi nhất. Cầu thủ chỉ việc lo chuyện đá đấm. Vì thế, một người đại diện tồi sẽ lại là kẻ “đào huyệt” cho sự nghiệp của cầu thủ. Đáng buồn là khá nhiều "phu đào huyệt" lại có quan hệ huyết thống với thân chủ.

Diego và ông bố Djair Da Cunha

Từ chuyện bố hại con
Ở tuổi 23 (năm 2008), sự nghiệp của Diego đang lên phơi phới trong màu áo Werder Bremen bỗng chững lại vì cả một chuỗi sai lầm tồi tệ. Anh ngang nhiên dự Thế vận hội 2008 trong mầu áo ĐT Olympic Brazil mà không cần xin phép CLB chủ quản. Anh định chia tay Bremen, nhưng lại cùng lúc chọn cả Bayern Munich lẫn Juventus. Và anh có những phát biểu mâu thuẫn trên mặt báo ở tần suất gần như hàng ngày. Diego bị mọi thành phần liên quan trong bóng đá đỉnh cao ghét bỏ: giới hâm mộ, các nhà quản lý, đội bóng cũ, và cả… đội bóng mới (dự kiến)!
Suốt từ đó đến nay, Diego hoặc chìm vào quên lãng hoặc chỉ được nhắc tới bởi những cột mốc mới tiêu biểu cho sự sa sút. Hè này cũng vậy. Wolfsburg tuyên bố sẵn sàng vứt bỏ ngôi sao này. Nếu không bán được Diego, họ sẽ để anh thi đấu trong đội dự bị ở giải hạng Ba. Tự Diego phải tìm kiếm CLB mới. Bất kể tiền vệ người Brazil chọn đội bóng nào, đấy cũng sẽ là lần thứ ba trong 3 năm liên tiếp, anh đổi màu áo. Ở 2 mùa bóng vừa qua, anh luôn thất bại tại Juventus và Wolfsburg.
Tóm lại, Diego chẳng những không phát huy được tiềm năng để vươn lên đẳng cấp hàng đầu thế giới mà còn nhận thất bại đầy tủi nhục. Nguyên nhân chính là từ nhà đại diện Djair Da Cunha (bố đẻ Diego) đã làm hỏng sự nghiệp của con trai.
Việc Diego tự ý bỏ Bremen để dự Olympic 2008 là do chính ông Da Cunha xúi giục, hòng khiến Bremen ghét bỏ và bán quách ngôi sao Diego sang một đội bóng lớn hơn! “Đội bóng lớn” mà Da Cunha nhắm đến cho con trai chính là Juventus, và ông đã đàm phán với "Bà đầm già". Nhưng lòng tham khiến Da Cunha “phản kèo” vào giờ chót, quay sang đàm phán với Bayern vì đội này sẵn sàng trả lương cao hơn.
Rút cuộc, Diego rơi vào thế éo le: dù đến Juventus hay Bayern trong năm 2008, anh đều sẽ vi phạm luật FIFA. Kế hoạch chuyển nhượng bất thành, Diego chỉ có thể sang Juventus trong năm 2009, để rước lấy “thất bại được báo trước”. Sau khi chia tay Juventus, anh lại thất bại khi trở về Đức khoác áo Wolfsburg. Bây giờ, trong làng cầu châu Âu chẳng còn ai tôn trọng Diego nữa.
“Con trai tôi là cái rốn của vũ trụ”, đấy là suy nghĩ thường gặp của các ông bố có con nổi tiếng. Nhưng Djair Da Cunha làm hỏng sự nghiệp của con trai không chỉ vì suy nghĩ ấy. Chỉ riêng việc đàm phán với cả Juventus lẫn Bayern đã cho thấy nhà đại diện Da Cunha "tay mơ" và tham lam đến độ nào. Càng không thể có chuyện Da Cunha “nắm” hết các giám đốc thể thao trong làng bóng châu Âu hoặc có quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp với các nhà đại diện khác. Ông ta không có công ty đại diện quy mô lớn, không giỏi lách luật, không biết đối phó với các cơ quan thuế… Nói chung, Da Cunha không có bất cứ điều gì đáng kể, ngoài tình thương con. Sự nghiệp của Diego mà phất lên với một tay đại diện kém cỏi như vậy thì mới lạ.
Đến chuyện tin anh thì lận đận
Bi kịch của Diego là bài học kinh điển trong bóng đá nhà nghề. Đại diện cầu thủ là một nghề nghiêm túc, khó khăn và rất chọn lọc. Ngoài sự am tường về bóng đá chuyên nghiệp, ngoài khả năng đánh giá đẳng cấp của thân chủ, người đại diện còn phải có những quan hệ cực kỳ tốt đẹp và sâu rộng với các thành phần liên quan trong nghề. Điều quan trọng nhất:  đã là công việc thì tính khách quan phải được đặt lên hàng đầu. Nghề này không có chỗ cho tình cảm, giữa nhà đại diện và thân chủ, vì nguyên tắc cơ bản của nó vốn dĩ đã là “các bên cùng có lợi”.

Eric và Jean-Marie Cantona

Ngày xưa, Eric Cantona thi đấu cho 8 CLB khác nhau, mãi đến đội cuối cùng (Manchester United), anh mới thực sự thành công. Nói cách khác, Cantona đã phải “lầm than” trong suốt 9 năm trước khi đến Old Trafford. Khi được HLV Alex Ferguson tuyển mộ, Cantona hầu như không còn tư cách đòi hỏi bất cứ điều gì để ký hợp đồng. Đấy là nguyên nhân vì sao người ta khẳng định Cantona là hợp đồng thành công nhất trong kỷ nguyên hiện đại của Man United. Đã vậy, trong khi Man United tận dụng triệt để khả năng của Cantona thì ngược lại, Cantona làm giới hâm mộ sững sờ khi anh giải nghệ ở tuổi 31.
Đấy là một sự nghiệp đầy tiếc nuối, không trọn vẹn. Và đấy cũng là sự nghiệp bị người thân làm hỏng. Hồi ấy, đại diện của Cantona là người anh ruột Jean-Marie Cantona.
Gần đây, lại thấy một tay đại diện khác làm cho sự nghiệp rực rỡ của em trai mình trở nên uổng phí. Đó là Roberto, đại diện của siêu sao Ronaldinho.
Ronaldinho chỉ thành công ở Barcelona (2003–2008). Diego chỉ thành công ở Bremen (2006-2009). Cantona chỉ thành công ở Man United (1992-1997). Ngoài ra, họ luôn trục trặc về mặt hợp đồng, về pháp lý, và bị vướng vào kỷ luật ở các CLB khác. Đấy không thể là những trùng hợp tình cờ. Và đấy không phải là những trường hợp đơn lẻ. Bài học quá rõ ràng: nếu cần thuê người đại diện, dứt khoát là phải lánh xa… người thân!
Kinh Thi (theo bongda+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)