Giờ học lịch sử tại Trường THCS Cầu Kiệu (Phú Nhuận) |
Trước đây do quan niệm khác nhau nên nhiều người chưa coi trọng lịch sử địa phương mặc dù trong chương trình dạy môn lịch sử không thể thiếu mảng kiến thức này. Đây không chỉ là thiếu sót của người dạy mà còn là một thiệt thòi cho học sinh (HS) khi muốn tìm hiểu về lịch sử của dân tộc, quê hương.
Tổ chức thảo luận nhóm
Đến tham dự hội thảo chuyên đề “Dạy học lịch sử lớp 4 và 5” tại Phòng GD quận 8, TP.HCM năm học 2008-2009, nhiều giáo viên (GV) thắc mắc không hiểu tại sao Trường Tiểu học Tuy Lý Vương lại chọn tiết thao giảng bài Tự nhiên – xã hội quận 8 trong môn lịch sử địa phương. Bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là bài giảng ít hấp dẫn đối với HS và “khó nuốt” đối với GV vì thiếu tài liệu, kiến thức không có sẵn trong sách giáo khoa. Để thiết kế một bài giảng theo chủ điểm đó, công sức mà cả thầy và trò bỏ ra chắc chắn là không ít, tuy nhiên sau khi dự xong tiết dạy nhiều GV đã thấy được thành công và hiệu quả mà cô Nguyễn Thị Mỹ Linh – GV đứng lớp đã mang lại.
Bước vào bài giảng, giới thiệu về điều kiện tự nhiên quận 8, GV yêu cầu HS xác định vị trí thông qua bản đồ hành chính TP.HCM. Yêu cầu tuy không cao nhưng cũng gây được hứng thú cho các em khi bắt đầu “đi du lịch ở địa phương qua bài học”. Không dựa vào các tài liệu có sẵn từ trên mạng, GV yêu cầu HS thảo luận theo nhóm để nêu bật các đặc điểm về vị trí địa lý, giao thông, khí hậu. Thông qua bản đồ các em sẽ nhận diện vùng đất quận 8 có hình chiếc thuyền dài chạy theo hướng đông – tây thuộc phía tây nam TP. Phía bắc giáp với quận 5, quận 6 bởi kênh Tàu Hũ và kênh Ruột Ngựa; phía đông giáp quận 4 và quận 7 bởi rạch Ông Lớn; phía tây và nam giáp Bình Chánh. Nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ nóng ẩm quanh năm, sông nước quận 8 bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Ngoài đường bộ, hệ thống giao thông đường thủy với kênh rạch chằng chịt là điểm đặc thù quận 8.
Ngoài phương pháp thuyết trình, GV đã tổ chức được một số hoạt động phát huy tính tích cực, hăng say của HS để đem lại tính hiệu quả của giờ học. Qua thảo luận nhóm của cả lớp, chúng tôi thấy GV đã giúp các em làm tốt khâu chuẩn bị ở nhà như yêu cầu các em sưu tầm bản đồ, tranh ảnh về quận, đặc biệt là trò chơi “Hướng dẫn viên du lịch” để mời bạn đến chơi nhà em. Chính nhờ trò chơi xen vào tiết học này mà các em có thêm “ngòi nổ” trong thảo luận, mạnh dạn hơn khi đứng trước đám đông để trình bày ý kiến. Ngay ở phần hỏi HS tên các cây cầu trong địa bàn cũng là một cách học từ thực tế cuộc sống. Phần giới thiệu di tích lịch sử tuy hơi khó nhưng nhờ GV biết gợi mở nên đã giúp HS nêu đúng những di tích như: Đình Bình Đông, Đài liệt sĩ và một số địa danh khác gắn với phong trào cách mạng ở phường 12.
Cách sưu tầm tài liệu
Không khó khăn như chúng tôi tưởng, các tài liệu về quận 8 thực ra không thiếu mà lại rất phong phú. Ngoài những thông tin từ trên mạng, cô Mỹ Linh còn trực tiếp đến UBND quận và Phòng GD để tìm hiểu thêm nên trong tay có đủ tài liệu phục vụ cho HS. Thế nhưng không phải có nhiều tư liệu là GV sẽ làm chủ được kiến thức, để bài giảng được “tinh” GV còn phải biết lựa chọn và sắp xếp các tài liệu đó theo đúng tiêu chí giáo án, gây những ấn tượng khó quên trong quá trình dắt dẫn HS đến với nội dung bài học. Do hiểu được yêu cầu đó nên cô Mỹ Linh đã tìm cách tuyển lựa các tư liệu đắt giá nhất đưa vào giáo án điện tử của mình. Tư liệu về hai di tích lịch sử nổi bật nhất trong quận nhà là Đình Bình Đông và Đài liệt sĩ tại phường 7B, nhưng để có được những “sản phẩm” quý giá đó cô Mỹ Linh phải tự đi chụp hình, photo, chỉnh sửa lại mất nhiều thời gian mới có được.
Sôi động nhất là phần GV tổ chức các trò chơi vận dụng để ghi nhớ bài học như thuyết trình con đường từ nhà đến lớp, giới thiệu các công trình giao thông công cộng. Đây là một trò chơi mang tính sáng tạo của GV, nó không có trong bài giảng giáo học pháp của trường sư phạm. Không giống như các tiết học khác, trò chơi này các em tự tin và thích thú hơn vì con đường hàng ngày đến lớp không có gì xa lạ cả. Tiết học lịch sử địa phương tuy cũ nhưng mà lại mới, kiến thức đã có làm nền tảng cho kiến thức mà HS tiếp nhận được từ bài giảng của người thầy.
Ngọc Quang
Bình luận (0)