Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Kinh nghiệm dạy nghề từ nước Đức

Tạp Chí Giáo Dục

“Ở nước Đức, muốn làm ND bắt buộc phải qua đào tạo nghề. Hệ thống đào tạo nghề cho ND ở Đức theo nhiều cấp độ và đi theo phương châm “giỏi một nghề, biết nhiều kỹ năng”.

-TS Wihelm Webren – Giám đốc điều hành Viện Haus Riswick (CHLB Đức)- chuyên dạy nghề cho ND chia sẻ với NTNN.
TS W. Webren cho biết, trong vòng 20 năm gần đây, lao động nông nghiệp ở Đức giảm từ 800.000 người xuống còn gần 400.000 người, chiếm 2-3% tổng lao động trong xã hội. ND Đức hầu hết là các chủ trang trại với diện tích đất bình quân 50ha/hộ…
Một nông trang trồng nho ở miền Nam nước Đức.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về việc dạy nghề cho ND ở CHLB Đức và hoạt động của Viện Haus Riswick?
– Tất cả chủ trang trại, người điều hành hợp tác xã (HXT) nông nghiệp ở nước Đức bắt buộc đều phải có chứng chỉ nghề, bằng cấp chuyên môn về nông nghiệp. Hệ thống dạy nghề cho ND chia làm nhiều bậc: Sơ cấp, trung cấp và giáo viên.
Lao động tốt nghiệp THPT học 3 năm thành thợ; học thêm 2 năm nữa thành thợ cả, bậc này mới được làm chủ trang trại. Thợ cả học tiếp đạt bậc giáo viên dạy nghề nông nghiệp.
Viện chúng tôi chỉ là một trong nhiều trung tâm đào tạo nghề cho ND. Viện có môn nông nghiệp chia làm 14 nghề, như nuôi ngựa, bò sữa, trồng nho, thí nghiệm viên ngành sữa…
Ông có thể chia sẻ phương châm “giỏi một nghề, biết nhiều kỹ năng” của Viện Haus Riswick và các trung tâm dạy nghề cho ND?
– Tuỳ vào thực tế sản xuất cụ thể ND lựa chọn học nghề gì. Ví dụ, người học nghề nuôi bò, nuôi lợn thịt, bên cạnh kỹ thuật chăn nuôi, thú y, ND còn được đào tạo các kiến thức liên quan đến nghề này như chế biến thực phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và môi trường, kiến thức thị trường, kỹ năng vận hành, sửa chữa một số loại máy móc phục vụ chăn nuôi…
TS Wihelm Webren
Việc thi, kiểm tra ở các cơ sở dạy nghề thì sao, thưa ông?
– Một tuần, học viên chỉ học lý thuyết 2 buổi, còn lại là thực hành tại nông trại. Ở bậc sơ cấp, học viên sẽ làm một bài thi viết. Bậc trung cấp, học viên sẽ làm một bài thi vấn đáp. Bậc giáo viên dạy nghề, học viên phải thi viết và thi vấn đáp để lấy chứng chỉ quốc gia. Tất cả các bậc học, người học phải thi đạt chứng chỉ mới được hành nghề.
Tại sao ND Đức phải liên tục bổ sung kiến thức, kỹ năng nghề, thưa ông?
– Chúng tôi gọi đây là quá trình đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho ND. Việc đào tạo lại tay nghề giúp ND thích ứng với sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu chuẩn thực phẩm, nông sản ngày càng khắt khe, yêu cầu của thị trường.
Học nghề của ND là tự nguyện có nghĩa là họ phải trả mọi chi phí cho dịch vụ đào tạo?
– Không hẳn như vậy. Đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp phần lớn kinh phí do Chính phủ Đức đài thọ, người học chỉ bỏ ra khoảng 5.000 euro. Chi phí này rất nhỏ so với thu nhập trung bình của người dân Đức. Việc đào tạo lại, bổ sung, nâng cao tay nghề, ND tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ đào tạo của Hội ND và các tổ chức nghiệp đoàn khác…
Vấn đề hiện nay của  nền nông nghiệp Đức không phải là nâng cao năng suất, sản lượng bao nhiêu mà là sản xuất như thế nào.

TS Wihelm Webren
Hiện nay, xu hướng ở nhiều nước, lao động không thích làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp. Ở Đức có như vậy không, thưa ông?
– Nước Đức một thời gian dài cũng diễn ra tình trạng như vậy, nguyên do là thu nhập từ nông nghiệp thấp hơn các ngành nghề khác.
Hiện nay, thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp bằng, thậm chí cao hơn một số ngành nghề nên thu hút nhiều người học nghề nông.
Ba năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp thu hút nhiều lao động trẻ, có kiến thức, tay nghề cao, trong đó 40% lao động vốn không xuất thân từ nông nghiệp, nông thôn…
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Công (thực hiện)
Theo Dân Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)