Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kinh nghiệm làm chủ nhiệm giỏi: Cầu nối giữa nhà trường và gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cô chủ nhiệm luôn bên cạnh các em (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều

Hiện trạng bạo lực học đường ngày một gia tăng, đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành giáo dục trong việc tìm kiếm giải pháp khả thi để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này. Câu hỏi được đặt ra chính là vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) có tầm quan trọng như thế nào để “cảm hóa” và điều chỉnh hành vi cho các em?
Sâu sát đến từng học sinh của lớp mình
Vai trò của GVCN khác với những thầy cô giáo dạy bộ môn ở chỗ, ngoài việc dạy học theo sự phân công thì GVCN còn kiêm thêm công tác chủ nhiệm với lớp mà nhà trường đã giao. Như vậy, GVCN phải thực hiện triệt để việc dạy cá thể hóa cho nhóm đối tượng học sinh của mình. Làm sao GVCN phải hiểu được cá tính và năng lực của từng em? Muốn được như vậy, GVCN phải tiếp cận từng học sinh bằng nhiều hình thức, nhiều con đường khác nhau một cách khéo léo như theo dõi tình hình học lực, hạnh kiểm của các em ngay khi mới nhận lớp vào đầu năm học. Từ đó, GVCN đề ra hướng giải quyết cụ thể đối với từng nhóm học sinh với mục đích đưa các em vào “guồng máy” chung của lớp mà không làm cho các em cảm thấy mình bị “kỳ thị” hay bị “phân biệt đối xử”. Công việc này không dễ chút nào đối với những giáo viên còn “non” trong quá trình làm công tác chủ nhiệm. Nó đòi hỏi GVCN phải thật sự nhẫn nại, phải yêu nghề, yêu công việc “làm dâu trăm họ” này thì mới vượt qua những khó khăn trước mắt để tìm hướng đi tốt nhất cho các em. Đi sâu đi sát đến các em để GVCN hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của các em, nắm được những băn khoăn mà các em không biết chia sẻ hay không dám bày tỏ cùng ai. Đây cũng có thể là mối dây của những hành vi tiêu cực khi các em không kiềm chế nổi khi gặp “chuyện”. Bởi vậy, sâu sát đến từng học sinh giúp GVCN có cái nhìn phổ quát hơn về từng học trò của mình. Từ đó, GV sẽ chọn lựa những giải pháp giúp các em phát triển tốt hơn về cá thể cũng như tinh thần tập thể.
Liên hệ thường xuyên với giáo viên bộ môn
Công việc này tưởng chừng đơn giản nên nhiều GVCN đã bỏ qua, không để ý tới và chỉ đến khi “đụng chuyện” mới chạy nháo nhào để hỏi han thầy A, cô B về em học sinh này, em học sinh kia thì lúc đó sự việc đã đi xa tầm kiểm soát của GVCN rồi. Những hành vi bạo lực đã xảy ra rồi thì khó mà kìm lại được. Một việc làm rất bình thường như những cuộc xã giao khác trong đời sống, GVCN phải là người hỏi thăm những thầy cô giáo bộ môn về học trò của mình, xem có em nào có những biểu hiện khác thường trong học tập hoặc có hành vi ứng xử không tốt ngay trong tiết học của các giáo viên bộ môn hay không? Từ đó, GVCN nắm được mấu chốt của vấn đề ngay từ đầu mà có hướng giải quyết “êm xuôi” không để những mâu thuẫn giữa học sinh với học sinh, giữa thầy cô giáo bộ môn với học sinh xảy ra… Việc liên hệ với các thầy cô giáo bộ môn, tôi cho rằng là việc làm thiết thực nhất để GVCN nắm thêm được nguyên căn của những mâu thuẫn, những bất hòa xảy ra trong lớp của mình. Có như vậy, những hành vi bạo lực trong học đường sẽ giảm ngay, không còn chỗ đứng nữa.
Liên hệ với gia đình học sinh
Ngoài việc liên hệ với các thầy cô giáo bộ môn để tìm hiểu và uốn nắn các em thì việc liên hệ với gia đình cũng không kém phần quan trọng trong quá trình “thu phục và cảm hóa” các em. Bởi gia đình cũng là một trường học thu nhỏ, là nơi các em tiếp tục “học ăn, học nói, học gói học mở” và hoàn thiện nhân cách sống nơi chính gia đình của các em. Đã có bao nhiêu trường hợp bạo lực học đường xảy ra mà GVCN không hề liên hệ với gia đình hay chỉ liên hệ một cách hình thức, qua loa mà không đi sâu vào việc tìm hiểu căn nguyên nơi gia đình của các em? Tìm hiểu gia cảnh của các em sẽ giúp GVCN hiểu được bản chất của vấn đề một cách tường tận hơn. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp do các em bị cú sốc quá nặng ở gia đình dẫn đến tâm lý không ổn định, mất thăng bằng trong sự suy nghĩ và dẫn đến những tiêu cực mà ta tạm gọi là biểu hiện của “bạo lực học đường”, nhưng GVCN không hề biết, vì không có mối liên hệ với gia đình thường xuyên. Tôi thấy việc liên hệ với gia đình sẽ giúp đôi bên cùng có lợi: GVCN sẽ hiểu rõ về gia cảnh để có những cách giáo dục cho phù hợp mà không làm tổn thương đến tinh thần các em, không làm cho các em cảm thấy bị cô lập ngay tại lớp vì thái độ của GVCN và của chính bạn bè trong lớp. Gia đình cũng được nhà trường cung cấp những thông tin về những biểu hiện khác thường của con em mình. Từ đó, GVCN thay mặt nhà trường cùng với gia đình có những biện pháp nhằm “kéo” các em trở về với “cái thiện” trong con người các em hay giúp các em học tập ở những gương sáng xung quanh mình.
Qua những phân tích trên, tôi cho rằng GVCN giỏi phải là người rất kiên nhẫn, rất bản lĩnh và phải là một mẫu người “làm dâu trăm họ” tốt, bởi một lẽ, GVCN vừa phải hiểu tâm sinh lý các học trò của mình, vừa phải tạo mối đoàn kết liên đới với giáo viên dạy bộ môn trong việc giáo dục các em. Làm được những điều này, GVCN sẽ hoàn thành được trọng trách mà nhà trường, gia đình đã giao phó trong việc “Tiên học lễ, hậu học văn” cho các em.
Trần Minh Duy (Trường Quốc tế Việt Úc)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)