Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kinh nghiệm làm chủ nhiệm giỏi: Kỳ cuối: Những biện pháp xây dựng thành công lớp tự quản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

GVCN phải tổ chức lớp học mà mỗi thành viên đều là “hạt nhân” của lớp. Có như vậy, các em học sinh mới chủ động trong học tập, trong sinh hoạt (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Chọn lựa, bồi dưỡng được lớp trưởng xứng đáng con chim đầu đàn của lớp, có phong cách chỉ huy và giao tiếp tốt, cùng một ban cán bộ lớp, tổ gương mẫu có khả năng tổ chức và có tinh thần trách nhiệm cao. Đối với lớp khá giỏi, để làm được điều này không khó, song đối với lớp yếu đây quả là vấn đề không đơn giản.
Song vấn đề không giản đơn ở chỗ để hòn đất cất ông bụt. Để lớp trưởng cũng như đội ngũ cán bộ lớp ngày càng có đủ năng lực điều hành lớp, người GVCN có kinh nghiệm luôn tìm cách tham mưu, cố vấn, huấn luyện, uốn nắn các em từng ly từng tí, nhất là ở thời gian đầu năm học mới.
1. Một vấn đề cũng được nhiều GVCN hết sức quan tâm là xây dựng uy tín cho cán bộ lớp. Để làm được điều này, GVCN phải thực hiện công khai hóa chức năng, nhiệm vụ và vùng quản lý riêng biệt cho từng cán bộ lớp. Đồng thời cũng tiến hành thường xuyên việc xử phạt nghiêm minh những học sinh có thái độ coi thường quyết định của cán bộ lớp. Đối với những cán bộ chưa gương mẫu, thiếu trách nhiệm, cách xử phạt phải rất khéo léo tế nhị; tránh thô bạo cứng nhắc, đánh đồng làm tổn thương uy tín danh dự của các em khiến các em có thể nảy sinh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực khó lường rất có hại cho phong trào tự quản của lớp. Song cũng không vì thế mà nuông chiều, luôn dành đặc ân cho cán bộ lớp dễ làm các em ngộ nhận về vai trò, uy danh của mình, sớm nhiễm vào nhân cách mình tính ham quyền chức, luôn ra oai hách dịch, cửa quyền coi thường người khác, đứng trên cả tập thể, cả những quy định, nội quy của lớp, của trường. Để mỗi thành viên trong đội ngũ cán bộ giảm nhẹ công việc, có điều kiện theo dõi sâu sát, cụ thể phần việc được giao, có GVCN đã tổ chức đội ngũ cán bộ lớp với số lượng nhiều đến khác thường. Tất cả tới 31 thành viên (1 lớp trưởng, 3 lớp phó, 12 tổ trưởng, 11 cán sự bộ môn, 4 sao đỏ). Với đội ngũ cán bộ đông đảo như vậy, lại có tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, nên đã tạo ra một khí thế, một động lực đẩy mọi hoạt động của lớp diễn ra khá đều đặn, mạnh mẽ và toàn diện, khiến GVCN chẳng mấy khi phải vào cuộc, mà mọi việc của lớp cứ đâu vào đó…
3. Tổ chức có chất lượng giờ sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần và các buổi sinh hoạt tập thể. Với mô hình lớp tự quản, đây là những cơ hội rất có ý nghĩa để thử thách và rèn luyện ý thức và khả năng tự quản của các em. Ngoài việc động viên tổ chức cả lớp tự giác tích cực tham gia sôi nổi các buổi sinh hoạt của lớp, của Đội, của trường, có giáo viên còn chủ động tổ chức cho lớp mình những buổi tham quan dã ngoại, những lần đi thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng rất bổ ích và lý thú. Với tinh thần tự quản, nội dung sinh hoạt một giờ chủ nhiệm thường diễn ra như sau: quản ca bắt nhịp, cả lớp vui vẻ mở đầu bằng bài đồng ca thật khí thế; lớp trưởng giới thiệu rồi mời giáo viên chủ nhiệm cùng các bạn xuất sắc trong tuần (đã được bầu trong cuộc họp cán bộ lớp) lên ngồi ở bàn danh dự (có trang trí lịch sự); lớp trưởng mời các tổ trưởng và các lớp phó lần lượt báo cáo, rồi cho lớp tự do góp ý; lớp trưởng nhận xét và tổng kết kết quả thi đua trong tuần, rồi công bố trọng tâm công việc tuần tới…
4. Tổ chức cho học sinh rèn ý thức tự giáo dục bằng sổ tự cập nhật. Cùng với việc thực hiện và phát huy tác dụng của sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ ghi chép của lớp trưởng, lớp phó, cán sự bộ môn, tổ trưởng, nhiều GVCN đã công phu sáng tạo, biến quá trình quản lý, giáo dục của giáo viên thành quá trình tự giáo dục của trò bằng một loại sổ thật đơn giản, nhưng thật ý nghĩa. Có GVCN gọi quyển sổ đó là sổ tự báo bài hàng ngày. Các em ghi vào sổ mọi yêu cầu bài vở ngày mới và kết quả học ngày qua, có chữ ký xác nhận của tổ trưởng và gia đình. Mỗi tuần cô giáo chủ nhiệm kiểm tra và ghi ý kiến vào đó. Riêng một, hai em cá biệt học kém nhất lớp, cuốn sổ này được đặt hàng ngày trên bàn giáo viên để các giáo viên bộ môn được quyền theo dõi và ghi ý kiến vào đó. Khi học sinh này tiến bộ được thay bằng học sinh khác. Tương tự như vậy, có GVCN lại thực hiện loại sổ này với cái tên sổ tự cập nhật hàng ngày. Ở sổ này, các em không chỉ ghi nhật ký học tập, mà còn ghi nhật ký từng giờ về ý thức kỷ luật. Hàng ngày có chữ ký xác nhận của tổ trưởng. Riêng GVCN kiểm tra vào cuối tuần. Còn phụ huynh chỉ yêu cầu thường xuyên theo dõi và ký với những trường hợp học sinh đặc biệt.
Khi nghiên cứu tác dụng loại sổ này, chúng tôi thấy như sau:
* Ý kiến của học sinh:
– HS1: Lúc đầu em rất ngại ghi, song sợ bị kỷ luật nên em cũng gắng ghi đều đều. Giờ thì em lại rất thích.
– HS2: Mỗi lần ghi sổ là mỗi lần em ghi nhớ thêm trách nhiệm học tập và tu dưỡng của mình.
– HS3: Em rất vui mỗi khi ghi sổ cập nhật.
– HS4: Sổ cập nhật đã giúp em hiểu được chính em, đã dạy em phải làm gì mỗi giờ mới, ngày mới.
+ PH1: Tôi rất mê hình thức sổ cập nhật. Nó không chỉ giúp con tôi tự quản lý được mình, mà còn giúp tôi thường xuyên hiểu được con mình là ai.
+ PH2: Từ ngày có sổ cập nhật, chúng tôi không phải nhắc nhở gì, mà xem ra ý thức học tập của cháu tự giác hơn hẳn. Cháu học hành tiến bộ trông thấy.
Lời bàn chung: Qua các khảo nghiệm trên, có thể kết luận:
Việc ghi sổ báo bài, sổ cập nhật thực sự đem lại nhiều tác dụng giáo dục rất tốt. Mọi ý thức, nề nếp tự quản đối với tổ, với lớp, với nhà trường, với gia đình, với xã hội, với tương lai, đất nước sau này, tất cả đều được khởi nguồn vun đắp từ quá trình tự ý thức về chính bản thân mình ngay khi còn ngồi trên ghế học đường: phải hiểu mình, sửa mình trước khi hiểu người, sửa người. Chính quyển sổ cập nhật đã giúp ta thực hiện được điều đó đối với các em một cách ngọt ngào, sâu lắng. Thầy không phải tốn thời gian tâm lực mà có một kết quả giáo dục như vậy thật quí biết nhường nào, đáng làm biết nhường nào.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
LTS: Sau bài viết của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký tòa soạn kết thúc diễn đàn Kinh nghiệm làm chủ nhiệm giỏi. Giáo Dục TP.HCM rất mong quý thầy cô, bạn đọc tiếp tục cộng tác trong các diễn đàn tiếp theo.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)