Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Kinh nghiệm lấy học bổng VEF

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các giáo sư Mỹ và cựu nghiên cứu sinh của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) chia sẻ các yếu tố giúp ứng viên nhận được học bổng này.

Để nộp đơn xin học bổng VEF, ứng viên phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu: điểm trung bình bậc ĐH ít nhất 7/10; 500 điểm TOEFL PBT  hoặc 6,5 điểm IELTS và 1.000 điểm trở lên trong kỳ thi GRE. Còn để nhận được học bổng, ứng viên phải vượt qua cả 3 vòng: xét duyệt hồ sơ do Viện Hàn lâm quốc gia Mỹ thực hiện; thi vấn đáp do giáo sư Mỹ làm giám khảo; sau đó ứng viên mới đủ điều kiện nộp đơn xin vào một trường ĐH Mỹ. Tiến sĩ Nguyễn Thái Hà, cựu nghiên cứu sinh VEF khóa 2003, cho biết: “Học bổng VEF vừa hỗ trợ tiền vừa tạo việc làm cho nghiên cứu sinh. Đó là lý do VEF hỗ trợ trường ĐH 27 ngàn USD/năm cho một nghiên cứu sinh chỉ trong 2 năm đầu. Sau 2 năm tham gia dự án với giáo sư hướng dẫn, nghiên cứu sinh có thể sẽ được giáo sư trả tiền”.
 Tiến sĩ Phạm Bảo Yên, cựu nghiên cứu sinh VEF, chia sẻ với các ứng viên về những lưu ý khi nhận học bổng – Ảnh: Văn Khoa 
Cần khả năng nghiên cứu
Giáo sư Susan L.Graham từ ĐH California cho hay ứng viên phải có tính ham học, dám thay đổi và sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Giáo sư Cynthia L.Chappell, ĐH Texas, bổ sung: “Thành tích học tập bậc ĐH đóng vai trò rất quan trọng để xem ứng viên có thành công khi học ở Mỹ hay không. Trong kỳ thi vấn đáp, chúng tôi tìm kiếm những ứng viên tài năng, có kinh nghiệm và công trình nghiên cứu nhất định ở ĐH”. Hầu hết các giáo sư Mỹ làm giám khảo kỳ thi vấn đáp chọn ứng viên VEF trong ngày 11.8 vừa qua đều  đánh giá các sinh viên VN hoàn toàn có khả năng nhận học bổng và cạnh tranh với các nghiên cứu sinh khác khi học ở Mỹ.
Tiến sĩ Lê Tiến Dũng, cựu nghiên cứu sinh VEF khóa 2005, chia sẻ: “Khi phỏng vấn, các giáo sư sẽ xem xét ứng viên có tính toàn diện hay không để có thể hoàn tất khóa học, chịu đựng khó khăn và làm quen với các bạn đến từ những nền văn hóa khác nhau”.
3 chương trình của VEF
VEF được Quốc hội Mỹ thành lập theo Đạo luật Quỹ Giáo dục VN năm 2000. Hoạt động trao đổi giáo dục của VEF tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế và công nghệ và được thực hiện thông qua 3 chương trình: Chương trình học bổng – đưa công dân VN sang Mỹ học chương trình ĐH; Chương trình học giả – tài trợ công dân VN đã có bằng tiến sĩ phát triển chuyên môn tại các trường hàng đầu của Mỹ;  Chương trình giáo sư Mỹ giảng dạy tại VN.
Kể từ khi VEF đi vào hoạt động từ năm 2003 đến nay, quỹ đã chọn được 382 ứng viên cho chương trình học bổng; 32 tiến sĩ cho chương trình học giả và 17 giáo sư cho chương trình giáo sư Mỹ giảng dạy tại VN.
Ưu tiên ngành ít người học
Mỗi năm, VEF tuyển tối đa 45 ứng viên cho chương trình nghiên cứu sinh. Theo Giám đốc điều hành VEF Lynne Mc Namara, nếu số thí sinh ngang tài vượt hơn con số 45 thì VEF trước hết sẽ ưu tiên chọn ứng viên theo ngành ít người học, sau đó tới ứng viên nữ, ứng viên ở phía Nam và miền Trung. Bà Mc Namara cho biết số người xin học bổng VEF ở phía Bắc thường nhiều hơn ở phía Nam và miền Trung nên VEF đang tập trung quảng bá chương trình học bổng cho khu vực ít ứng viên. Trưởng đại diện văn phòng VEF tại Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, cho hay trong số 45 ứng viên vừa được chọn cho chương trình học bổng niên khóa 2012, số ứng viên ở phía Nam và miền Trung chiếm 60% và số ứng viên nữ chiếm 40%. Đây là những tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Theo ông David Dương, Việt kiều được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng quản trị VEF, quỹ cần mở rộng thêm nhiều ngành để thu hút nghiên cứu sinh nữ và tăng suất bổng học. Ông Dương cho biết thêm: “VEF đang vận động thành lập một trường ĐH Mỹ ở VN”.

Theo Thanh Niên

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)