Thái độ nghiêm túc của học sinh trong giờ học. Ảnh: T.TRI |
Học là một quá trình thu nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Đó là một quá trình lâu dài và cần đúc rút kinh nghiệm. Tuy nhiên mỗi người có một kinh nghiệm riêng, có những phương pháp học tập riêng. Tôi xin nêu một số kinh nghiệm học tập của học sinh thuộc thế hệ cũ. Hi vọng rằng những kinh nghiệm này có thể giúp ích phần nào cho các em học sinh đương thời.
Nghe giảng là quá trình tiếp thu những kiến thức mới do thầy, cô giáo truyền thụ tại lớp. Có hai yếu tố tác động đến quá trình này: cách truyền đạt của thầy, cô giáo và cách tiếp thu của học sinh. Thầy, cô giáo là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình truyền đạt tri thức. Phương pháp giảng càng khoa học, càng ngắn gọn dễ hiểu, thủ thuật giảng càng hấp dẫn thì học sinh càng dễ dàng tiếp thu, hiểu được bài và thích thú, chủ động tiếp nhận tri thức.
Tôi nhớ mãi những bài giảng môn hình học lớp đệ ngũ (lớp 8 hiện nay) của thầy Bùi Hữu Đột, đặc biệt là cách đọc đầu bài tập. Trong bài tập giảng in rônêô của thầy không in bài tập. Sau khi giảng xong phần lý thuyết, thầy dành mấy phút cuối để đọc cho học sinh chép một đầu bài tập. Chẳng hạn, đầu bài có câu: “Cho tam giác cân ABC, AH là đường cao…”, thầy chỉ đọc đến ABC với một ngữ điệu kéo dài rất hấp dẫn rồi ngừng lại, chỉ cái thước thầy đang cầm trên tay vào một học sinh rồi hỏi: “Anh! Thế nào là một tam giác cân?”. Đợi khi có học sinh trả lời đúng: “Tam giác cân là một tam giác có hai cạnh bằng nhau, hai cạnh đó gọi là hai cạnh bên”, thầy mới “À” một tiếng rồi lại chỉ thước vào một bạn khác và hỏi: “Anh! Tam giác cân có những tính chất gì?”. Khi nào các học sinh trả lời đầy đủ: “Trong một tam giác cân, hai góc đáy bằng nhau; đường phân giác của góc ở đỉnh đồng thời là đường cao, đường trung trực và đường trung tuyến”, thầy mới đọc tiếp. Cách đọc đầu bài như vậy làm cho học sinh nhớ lại toàn bộ phần lý thuyết, chỉ cần ra một lệnh: “Các em về làm các bài tập số…, trang…”. Thế là xong, vì trong sách giáo khoa đã in bài tập rồi. Thật gọn, nhưng chẳng gợi ý cho học sinh được cái gì cả!
Tất nhiên, mỗi thầy cô giáo đều có cách giảng riêng. Nhiều thầy cô giáo giảng bài rất hay, thu hút học sinh chăm chú lắng nghe, nhưng cũng có nhiều thầy cô vì nhiều lý do: vì trình độ cũng có, vì sự chuẩn bị thiếu chu đáo cũng có, vì phương pháp giảng thiếu sinh động, chưa phát huy được tính sáng tạo của học sinh khiến sự tiếp thu của học sinh khó khăn hơn. Tuy vậy, vai trò quyết định cho sự tiếp thu của học sinh không phải ở thầy mà ở chính sự nghe giảng của trò. Tâm lý chung của phần lớn học sinh khi ngồi nghe giảng ở lớp là thiếu tập trung tư tưởng. Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động: thầy, cô giáo giảng chưa được hấp dẫn, bạn ngồi bên hỏi xen vào một câu bâng quơ nào đó… hoặc bản thân học sinh không thích môn học đó, không có cảm tình với thầy cô giáo bộ môn… Sự thiếu tập trung tư tưởng để nghe giảng là yếu tố quyết định khiến sự tiếp thu kiến thức của học sinh tại lớp không tốt và là nguyên nhân chính khiến học sinh học yếu.
Tập trung tư tưởng nghe giảng, cố gắng tới mức cao để hiểu bài ngay tại lớp là điều kiện hàng đầu để trở thành học sinh giỏi.
Nguyễn Kim Hoạt (Hà Nội)
Bình luận (0)