Ở một số ngành, ngoài các môn thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT còn đòi hỏi thí sinh phải có những năng khiếu đặc thù.
Thi trở thành… “kiến”
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có ngành Kiến trúc công trình và Quy hoạch đô thị cùng thi khối V. Trong đó, môn Toán, Lý thi theo đề chung khối A, còn môn năng khiếu là Vẽ mỹ thuật (vẽ đầu tượng).
Dụng cụ cần được chuẩn bị gồm: bút chì đen, gôm, que đo, băng keo, bảng nhỏ (30 – 40 cm). Ngoài ra, giấy và ghế ngồi do nhà trường chuẩn bị sẵn. Bước vào phòng thi, dựa theo mẫu tượng có sẵn mà thí sinh thể hiện bài thi của mình.
Thí sinh thi vẽ tại trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM – Ảnh: Hà Ánh
Với khối H thi vào ngành Mỹ thuật công nghiệp và Thiết kế nội – ngoại thất, ngoài môn Văn thi theo đề chung khối C còn có 2 môn năng khiếu: Vẽ hình họa mỹ thuật và Vẽ trang trí màu. Cũng như môn Vẽ mỹ thuật, các bước thực hiện môn Vẽ hình họa mỹ thuật cũng yêu cầu thể hiện về cấu trúc, tỷ lệ, hình, khối, chất liệu. Tuy nhiên cái khác là ở sự đòi hỏi cao hơn ở đề mẫu với tính chất động của người thật.
Môn Vẽ trang trí màu lại đòi hỏi kiểm tra kiến thức về trang trí và màu sắc. Nếu như vẽ hình họa lý tính hơn, cần có cách nhìn chuẩn xác, bao quát và toàn diện hơn để vẽ đúng đề mẫu, thì Vẽ trang trí màu lại kiểm tra về khía cạnh tư duy trang trí, cảm nhận màu và phối màu. Thí sinh cần chuẩn bị hộp màu (poster colour), cọ vẽ, bảng, dụng cụ pha màu (palette), ống đựng nước, giấy can (còn trắng tinh)…
Lời khuyên dành cho thí sinh thi các môn năng khiếu này, thạc sĩ Mai Quế Vũ, Trưởng khoa Mỹ thuật trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho rằng: “Cũng như các môn học khác, thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề, nhận diện đúng đề trước khi giải quyết bài thi theo các bước đã được học.Điều cần tránh ở thí sinh là nhìn đề mẫu và vẽ như chép. Đây là môn năng khiếu đòi hỏi sự sáng tạo cá nhân. Tuy nhiên, để làm tốt bài thi thí sinh phải cần có sự chuẩn bị kỹ càng và bài bản về kiến thức chuyên môn cũng như rèn luyện thường xuyên để có những kỹ năng cần thiết”.
Nhập vai ca sĩ
Một trong những ngành “nóng” của trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM là Thanh nhạc, chuyên đào tạo ca sĩ nhạc nhẹ. Thí sinh phải trải qua môn năng khiếu là hát 2 bài tự chọn và xướng âm. Trong đó, đề thi xướng âm sẽ đưa ra một đoạn nhạc chừng 3 – 4 dòng (tương đương khoảng 15 – 20 ô nhịp) để thí sinh nhìn vào hát đúng cao độ, trường độ, tiết tấu, nốt nhạc mà không có nhạc cụ hỗ trợ.
Với phần thi hát, thí sinh phải nhập vai làm ca sĩ để trực tiếp trình diễn trước ban giám khảo với sự hỗ trợ của nhạc đệm. Không chỉ thể hiện chất giọng mà thí sinh cần cho giám khảo thấy cả phong cách điệu bộ và ngoại hình.
Trong khi ngành Nhiếp ảnh thuộc lĩnh vực tạo hình, năng khiếu thể hiện là chụp ảnh và hình họa. Trong đó, môn chụp hình có đề thi chung kèm theo các bộ mẫu vật (trái cây, hình tròn, hình tam giác, tượng…) để thí sinh tự sắp xếp và chụp trong thời gian 10 phút. Thí sinh tự mang theo máy ảnh của mình, chụp xong file ảnh (phim) sẽ được mang đi rửa để chấm bài. Với cách này, đề thi kiểm tra năng khiếu tạo hình, cách cảm nhận hình khối trong hội họa, sắp xếp bố cục, lấy ánh sáng, khẩu độ, góc nhìn, đồng thời là “cái hồn” mà thí sinh muốn thể hiện qua tác phẩm.
Ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt (trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) cũng đòi hỏi người học thi phải có những năng khiếu đa dạng về nhạc, múa và đọc diễn cảm. Trong phần thi nhạc, ngoài hát một bài tự chọn thí sinh còn phải trải qua phần thi thẩm âm. Nếu thí sinh không tự múa một bài tự chọn thì có thể nhờ ban giám khảo múa trước và thí sinh làm theo, tuy nhiên nếu có sự chuẩn bị trước thí sinh sẽ chủ động hơn.
Ngoài ra, ban giám khảo có thể hỏi một vài câu hỏi tình huống để kiểm tra thêm về sở thích, hứng thú và sự yêu nghề của thí sinh. Bà Nguyễn Thị Phương Nga, Phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM cho biết: “Với loại câu hỏi phụ này, mặc dù không có trong biểu điểm cứng nhưng thí sinh vẫn có thể được thưởng tối đa 1 điểm nếu câu trả lời cho thấy sự tâm huyết và gắn bó với nghề”.
Hà Ánh / TNO
Bình luận (0)