Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kinh nghiệm triển khai tác phẩm báo chí chất lượng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 12-7 tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, Cụm thi đua 3 thuộc Công đoàn Viên chức TP.HCM đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “Kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai tác phẩm báo chí chất lượng cao dự thi giải báo chí các cấp”.


Ông Nguyễn Tấn Phong – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM chia sẻ về cách chuẩn bị nội dung và hình thức khi dự Giải Báo chí TP.HCM

Tham dự có ông Nguyễn Tấn Phong – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bích Liên – Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP; ông Phạm Văn Trường – Cụm trưởng Cụm thi đua 3, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Báo Sài Gòn giải phóng; bà Nguyễn Thị Thanh Trang – Cụm phó Cụm thi đua 3, Chủ tịch CĐCS Báo Pháp luật cùng đại diện các CĐCS thuộc Cụm thi đua 3.

Lên kế hoạch thực hiện

Là đơn vị có nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại Giải Báo chí TP.HCM, Giải Báo chí khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều giải báo chí địa phương, nhà báo Nguyễn Trường Hoàng – Phó ban Chính trị – Xã hội, Báo Người lao động cho biết, định kỳ hàng tháng, Ban Thư ký tòa soạn, Ban Thư ký Chi hội “đặt hàng” đề tài, tổ chức nghiệm thu đề tài, giao biên tập viên triển khai cho phóng viên thực hiện. Tòa soạn khuyến khích và có khen thưởng kịp thời đối với phóng viên chủ động đăng ký đề tài và có sản phẩm báo chí hay.

Các tác phẩm “đặt hàng” hoặc do phóng viên chủ động thực hiện được ưu tiên tuyển chọn tham gia các giải báo chí lớn có áp chỉ tiêu, khống chế số lượng tác phẩm dự thi như Giải Báo chí TP.HCM, Giải Báo chí Quốc gia.

Ban Thư ký Chi hội có trách nhiệm sao lưu những tác phẩm hay, tiêu biểu đăng phát trong ngày, tạo thư mục quản lý theo từng lĩnh vực, ngành nghề, đia phương. Trên cơ sở đó, khi có giải báo chí Ban Thư ký Chi hội đối chiếu thời hạn đăng phát, thời hạn tiếp nhận hồ sơ để chiết xuất danh mục tác phẩm. Việc này không chỉ giúp việc theo dõi, quản lý tác phẩm được chặt chẽ hơn, không bỏ sót tác phẩm hay mà còn giúp việc tuyển chọn tác phẩm thuận lợi, đỡ mất thời gian…


Nhà báo Nguyễn Trường Hoàng – Phó ban Chính trị – Xã hội, Báo Người lao động chia sẻ cách chuẩn bị đề tài dự giải báo chí

Nhà báo Võ Hồng Vân – Ủy viên Ban Biên tập, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn chia sẻ, tạp chí xuất bản mỗi tuần một số nên chọn một chủ đề lớn gọi là sự kiện và vấn đề, tổ chức từ 3-5 bài. Chẳng hạn số ra ngày 4-7 có loạt bài “Kinh tế nửa đầu 2024” có 5 bài. Các bài viết phân tích mọi góc cạnh của nền kinh tế đất nước trong 6 tháng đầu năm, từ tăng trưởng, lạm phát… Để thực hiện tốt chủ đề, phóng viên, biên tập viên phải đeo bám, am hiểu sâu lĩnh vực mình được phân công. Bên cạnh đó, tòa soạn cũng thường xuyên trao đổi mang tính chuyên sâu với phóng viên, biên tập viên để “chọn mặt gửi vàng”.

Biết khai thác cái mới

Bên cạnh kế hoạch của các tòa soạn thì vai trò của phóng viên trong việc thực hiện tác phẩm báo chí chất lượng cao hết sức quan trọng.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm báo, 6 lần đoạt Giải Báo chí Quốc gia, 5 lần đoạt Giải Búa liềm vàng và nhiều giải báo chí khác,  nhà báo Hoài Nam (Báo Sài Gòn giải phóng) chia sẻ, dù làm báo truyền thống hay báo thời chuyển đổi số thì chúng ta phải biết khai thác cái mới. Cái mới nằm ở những vấn đề xảy ra hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống chưa ai khai thác. Cái mới còn có trong các hội nghị, cuộc họp. Phóng viên biết khai thác cái mới thì bài viết mới hấp dẫn, thu hút độc giả, chứ không phải viết theo tài liệu, thông cáo báo chí mà ban tổ chức cung cấp.

“Muốn thấy được cái mới, chúng ta phải đứng ở xa nhìn sự việc thay vì chỉ đứng gần bám sát”, nhà báo Hoài Nam chia sẻ. 


Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại tọa đàm

Là gương mặt sáng giá của Báo Pháp luật TP.HCM ở thể loại điều tra, ba năm liên tiếp có tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia cũng như các giải báo chí khác, phóng viên Sang Grip (bút danh Tự Sang) nhìn nhận, Giải Báo chí Quốc gia cũng như các giải báo chí khác có sự cạnh tranh khốc liệt. Muốn đoạt giải, tác phẩm của phóng viên phải thực sự xuất sắc. Do đó đòi hỏi phóng viên phải luôn đầu tư cho tác phẩm thật nghiêm túc, chất lượng và tinh tế. Phóng viên phải có nghiệp vụ báo chí, có tầm nhìn và tập trung cho vấn đề lớn, có ảnh hưởng đến xã hội.

“Để có những tác phẩm xuất sắc tham dự Giải Báo chí Quốc gia, ngoài chọn đề tài gai góc, chúng tôi còn dấn thân thâm nhập vào nơi mà mình muốn khai thác vấn đề”, phóng viên Tự Sang chia sẻ.

Chăm chút từ nội dung đến hình thức

Ông Nguyễn Tấn Phong – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết, trong bối cảnh hiện nay báo chí đứng trước nhiều thử thách. Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo nên đa dạng thông tin, gây nhiễu loạn thông tin. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải làm sao để truyền thông tin, loạt bài để bạn đọc hiểu đúng, hiểu chính xác các chủ trường, chính sách của Nhà nước, các vấn đề xã hội khách quan, trung thực qua đó cổ vũ mặt tích cực, hạn chế tiêu cực.

“Thời gian qua có các giải báo chí trung ương như: Giải Búa liềm vàng, Giải Báo chí Quốc gia, mới đây là Giải Báo chí Quốc hội. Tại TP.HCM có Giải Báo chí TP diễn ra vào dịp 21-6 hàng năm. Bên cạnh đó là các giải báo chí chuyên ngành do các đơn vị báo đài, ban ngành tổ chức. Nhìn chung, các giải báo chí đa dạng, phong phú. Tùy vào thế mạnh của mình, mỗi cơ quan báo chí đều tổ chức các tuyến thông tin, xây dựng tuyến bài dự giải”, ông Phong nói.

Để có tác phẩm đoạt giải cao tại các giải báo chí nói chung và Giải Báo chí TP.HCM nói riêng, ông Phong nhấn mạnh những yếu tố quan trọng:

Về nội dung, tòa soạn phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, căn cứ vào nội dung tuyên truyền trọng tâm của TP, vấn đề bạn đọc quan tâm.

Tòa soạn phải phân công người chỉ huy, phân công phóng viên giỏi thực hiện, đầu tư kinh phí thỏa đáng để phóng viên thực hiện đề tài. Đề tài dự thi phải bám sát chủ đề của giải. Tác phẩm dự thi có thể chọn hạng mục ít tác phẩm tham gia như: Bình luận, xã luận, tin ảnh, phóng sự ảnh. 

Về hình thức, tác phẩm dự thi phải đúng thể loại. Đầu tư lời dẫn (sapo) kỹ lưỡng, ấn tượng, viết rõ ràng, mạch lạc, hấp dẫn. Bản sao gửi dự thi phải sáng, rõ, không bị mờ.

Ông Phong thông tin, hiện Hội Nhà báo TP.HCM đang phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM khẩn trương tổ chức đề án đổi mới và nâng chất Giải Báo chí TP.HCM để trình lên HĐND TP để mùa giải năm sau kịp đưa vào thực hiện. Đề án này sẽ được bổ sung thêm hạng 2 mục: Tác phẩm báo chí xuất sắc viết về công tác xây dựng Đảng và tác phẩm báo chí đa phương tiện. Hiện Thành ủy, UBND TP.HCM cũng đã đồng ý tăng số tiền thưởng cho tác phẩm đoạt giải lên 30%. Đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP đối với báo chí nói chung và hoạt động của Hội Nhà báo TP.HCM nói riêng.

Hồ Trinh

 

 

 

Bình luận (0)