Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kinh nghiệm từ một tiết dạy văn hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học môn văn

Dạy chương trình mới SGK đã khó, dạy bài giới thiệu về một tác giả lại càng vất vả hơn; Nhưng nếu chịu khó học hỏi kinh nghiệm và đầu tư bài giảng thì chắc chắn sẽ thành công.
Phải tạo được không khí hứng thú!
Trong tiết dạy tại lớp 12A3, Trường THPT Thanh Đa, cô Phan Thị Thanh đã “xử lý” phần Vài nét về tác giả bằng câu hỏi vào bài: “Nêu những nét đặc trưng của con người và vùng đất xứ Huế?” và khéo léo đưa học sinh đi “tham quan” vùng đất thần kinh qua màn hình máy chiếu. Nhờ phương pháp thuyết trình sáng tạo và qua hình ảnh trực quan sinh động, giáo viên đã “khuấy động” không khí tiết học một cách tự nhiên, tạo cho học sinh cảm giác hứng thú. Điều đọng lại trong tâm trí các em chính là hình ảnh người thanh niên mới 17 tuổi (cũng bằng tuổi các em bây giờ) nhưng đã tìm ra lý tưởng cách mạng để nguyện một lòng theo Đảng. Nếu như SGK cũ nêu đề mục Con đường thơ của Tố Hữu chung chung, thì ở SGK chương trình mới các nhà biên soạn đã thay từng đề mục Đường cách mạng – đường thơ. Đây là điều không ai phủ nhận được vì: “Tố Hữu đến với thơ và cách mạng cùng một lúc. Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ và hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc, đồng thời cũng là những chặng đường vận động trong quan điểm tư tưởng và bản lĩnh nghệ thuật của chính nhà thơ”. Ở phần này, giáo viên lại vận dụng phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề. Để hiểu rõ về 5 chặng đường thơ của Tố Hữu, học sinh và cả giáo viên phải nắm vững hoàn cảnh lịch sử và những chặng đường đấu tranh cách mạng tiêu biểu. Có như vậy bài học mới nêu bật lên được nguồn cảm hứng về đề tài đất nước của con đường thơ Tố Hữu. Không chỉ là tấm gương phản ánh hiện thực đất nước, thơ Tố Hữu còn là “bức chân dung tự họa” của dân tộc trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng. Hòa trong dòng chảy của mạch thơ văn giai đoạn này, nhiều tác phẩm thơ của “người con xứ Huế” mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Khuynh hướng sử thi đã giúp cho Tố Hữu nhìn con người và thời đại không chỉ bằng con mắt cá nhân mà còn bằng cách nhìn có tầm bao quát của lịch sử, dân tộc và thời đại. Trong bài thơ Bài ca mùa xuân 61, Tố Hữu gọi đó là con mắt “nhìn bốn hướng – Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau – Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu”.
Phải sát đối tượng khi phát vấn
Trong SGK Văn học lớp 12 trước đây, phần Tác giả Tố Hữu được các nhà biên soạn giới thiệu trong 16 trang. Mặc dù được phân phối trong 2 tiết dạy nhưng dung lượng kiến thức đưa ra như vậy là quá nhiều. Các giáo viên đứng lớp khi dạy phần này thường phải kẻ một cột bảng giới thiệu những chặng đường thơ của tác giả mới kịp thời gian. Tuy nhiên, ở SGK Ngữ văn lớp 12 chương trình đổi mới từ năm 2008, các nhà biên soạn sách đã đưa Tác giả Tố Hữu vào giới thiệu trong một tiết dạy của tác phẩm Việt Bắc. Điều đó cho thấy kiến thức đã được tinh lọc bớt, phần trình bày trong SGK gọn và thoáng hơn nhiều, nhất là phần Đường cách mạng – đường thơ.
Nếu giáo viên không biết “liệu cơm gắp mắm” thì chuyện “cháy” giáo án là không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, tiết dạy sẽ thành công nếu giáo viên có “bản lĩnh nghề nghiệp” vững vàng, không chỉ làm chủ về kiến thức mà còn làm chủ về thời gian. Bởi giáo viên có thể dùng “mẹo” nhỏ là giải thích ý nghĩa tên của từng tập thơ (Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa..), từ đó chắc chắn nội dung và chủ đề các tác phẩm sẽ được nêu bật ra.
Điều mà giáo viên đã chốt lại được cho các em là “mọi vấn đề lớn của đời sống cách mạng thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự”. Đúng như nhận xét tài tình của Xuân Diệu: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”. Nói như vậy nhưng cũng không quên một đặc trưng quan trọng nữa là thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà. Thơ thất ngôn trang trọng nhưng không khuôn sáo, trái lại hơi thơ rất liền mạch tự nhiên, đặc biệt thơ lục bát của ông dạt dào những âm hưởng nghĩa tình của hồn thơ dân tộc.
Mặc dù trong SGK đã có 4 câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài, nhưng cô Phan Thị Thanh vẫn đưa ra những câu hỏi khác vừa gợi mở vừa mang tính phát hiện và quan trọng hơn là để các em trả lời đúng hướng. Nhờ giáo viên kết hợp phương pháp vấn đáp với đàm thoại mà không khí lớp học sinh động hơn, phát huy được “công suất làm việc” của cả thầy và trò để đem lại hiệu quả cao cho giờ dạy.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)