Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh 2015

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2016, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.

Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp làm công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, tôi xin nêu một số kinh nghiệm rút ra từ mùa tuyển sinh năm 2015, để từ đó các thí sinh hình dung, chuẩn bị trước về tâm lý và trang bị dần những kỹ năng cần thiết trước thềm kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Phải hiểu rõ bản thân muốn gì

Đầu tiên thí sinh phải chọn ngành học thật kỹ. Phải biết được tố chất của bản thân phù hợp với ngành học nào, bản thân có đam mê, yêu thích ngành học đó không. Tiếp theo khảo sát ngành học và trường học trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Đây là việc làm rất quan trọng để bạn quyết định “gửi gắm” tương lai của mình, có thể khảo sát bằng nhiều cách như hỏi ba mẹ, thầy cô, trao đổi với nhân viên đang trực tiếp làm việc trong ngành nghề đó, dành thời gian tham quan cơ quan, công ty trong lĩnh vực ngành nghề mà bạn sẽ chọn, tham quan những trường ĐH, CĐ mà mình sẽ đăng ký xét tuyển… Sau cùng là chọn trường ĐH, CĐ phù hợp (phù hợp về điều kiện kinh tế, vị trí địa lý, môi trường học tập…). Hiện nay một bộ phận thí sinh trúng tuyển khi đến trường nhận giấy báo nhập học mới hỏi về mức học phí, than thở rằng tại sao trường cách xa trung tâm thành phố vậy, môi trường học tập như thế em sợ không hòa nhập được… Vì vậy, nếu có điều kiện, bạn hãy đến tham quan, gặp bộ phận tuyển sinh các trường để được tư vấn kỹ lưỡng về mọi thứ kể cả về thời gian, hình thức nộp và rút hồ sơ xét tuyển…

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi trường. Ảnh: M.Tâm

Luôn luôn theo dõi vị trí của mình

Sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, bạn cần thường xuyên theo dõi số lượng và mức điểm các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành học như mình. Nắm rõ được vị trí của mình, khả năng có thể đỗ của mình để có quyết định đúng đắn chuyển ngành hoặc chuyển trường xét tuyển. Thường những trường có mức điểm trúng tuyển hàng năm trước đây cao, năm tiếp theo xu hướng điểm trúng tuyển là bằng hoặc sẽ cao hơn, vì vậy bạn hãy chọn những trường có mức điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn mức điểm thi của bạn 2-3 điểm thì khả năng an toàn của bạn sẽ cao hơn.

Kiên định lập trường

Trước hết bạn cần định hướng rõ ràng cho chính mình và kiên định con đường đã chọn. Khi điểm xét tuyển của mình đang ở ngưỡng an toàn thì đừng hấp tấp lo sợ rồi rút hồ sơ xét tuyển nộp vào ngành khác trường khác. Bên cạnh đó, đừng lung lay ý chí khi có ai đó nói rằng ngành bạn học xong sẽ thất nghiệp. Điều đó chưa chắc đúng với bạn vì học một ngành có thể làm nhiều nghề khác nhau, không có nghề nào là “nghề hot” mà chỉ có “người hot” trong nghề đó mà thôi. Hãy chọn lối đi riêng cho mình để thành công bạn nhé. 

Tự lập để làm chủ bản thân và linh động hơn

Thật tệ hại khi bạn không sử dụng được các ứng dụng công nghệ thông tin, không biết cách gửi hồ sơ qua đường bưu điện và không biết cách để đăng ký xét tuyển trực tuyến trên trang website của các trường. Bạn hãy trang bị cho mình những kỹ năng, thói quen cần thiết về ứng dụng công nghệ thông tin để có thể tự mình tìm hiểu, đăng ký xét tuyển, theo dõi vị trí mà không cần phải làm phiền đến ba mẹ và người thân. Sự chủ động của bản thân bạn chính là chìa khóa khởi đầu cho bạn bước vào một hành trình mới, môi trường học tập mới, để ba mẹ và người thân của bạn bớt đi sự lo lắng, cực nhọc khi phải “hộ tống” bạn trên mọi nẻo đường nộp hồ sơ xét tuyển.

ThS. Phạm Doãn Nguyên

(Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM)

Học một ngành có thể làm nhiều nghề khác nhau, không có nghề nào là “nghề hot” mà chỉ có “người hot” trong nghề đó mà thôi.

 

Bình luận (0)