Ông Trung say sưa kể chuyện thi đấu ở Bình Thuận. Hai đội thuyền làng nam, nữ do vợ chồng ông chỉ huy, giành giải nhì toàn đoàn
|
Tình cờ trong lúc “trà dư tửu hậu” bên sông Thạch Hãn vào một buổi chiều tà, tôi được các anh bạn đồng nghiệp đi trước kể về đội đua thuyền của ngư dân xã Triệu Thuận. Những ngư dân chân đất vì niềm đam mê môn thể thao lướt cưỡi sóng đã tự bỏ tiền túi của mình ra tập luyện và đi thi đấu.
Họ là những ngư dân một nắng hai sương mò cua bắt tép trên những bãi sông bùn lầy nước đọng. Cuộc mưu sinh đầy cơ cực đối với mỗi người khác nhau nhưng họ đều có chung khát khao là chinh phục… đường đua xanh. “Thắt lưng, bó bụng” gom góp kinh phí mua sắm công cụ để tham gia cuộc thi. Tiếp chuyện tôi trong căn nhà cấp bốn treo dày kín huy chương và giấy khen, những kình ngư ấy vẫn còn hừng hực khí thế của một cuộc đua thuyền cấp quốc gia mới đây tại tỉnh Bình Thuận…
“Say” với… đường đua xanh
Cắm cúi cất mẻ vó cuối ngày, ông Phạm Quang Trung, Đội trưởng thuyền nam Triệu Thuận bộc bạch: “Năm nay tỉnh không cho kinh phí, mọi tập luyện, đi thi và giành giải trở về, đội phải tự túc hoàn toàn”. Ông Trung năm nay 56 tuổi, theo nghiệp đua thuyền từ 28 năm qua. Năm 1998, ông Trung được tin cậy cử làm đội trưởng. Cũng năm này, đội thuyền nữ ở thôn được thành lập do bà Lựu, vợ ông Trung “cầm chèo lái”.
Trong ngôi nhà nhỏ, đôi vợ chồng tóc ngả màu muối tiêu sau bao phong sương của cuộc đời sông nước bắt đầu trầm bổng kể cho tôi nghe về cuộc thi đấu của họ ở Bình Thuận vừa qua. “Thôn Đại Lộc B nằm sát sông Thạch Hãn, việc tập luyện đua thuyền chỉ diễn ra ở đây và thực tế qua các cuộc đua cũng chỉ diễn ra trên sông. Nhưng lần này chúng tôi rất bất ngờ vì cuộc thi diễn ra ở biển (vùng biển Mũi Né, TP. Phan Thiết, Bình Thuận). Lúc tập, thuyền của chúng tôi đã bị lật do không quen với sóng biển. Nhưng ai cũng quyết tâm phải đua bằng được và giành chiến thắng. Nhanh chóng rút ra kinh nghiệm sau vài lần tập, chúng tôi quán triệt nhau là phải rút nhanh mái chèo, cưỡi sóng đưa thuyền lên trước. Vì khác với ở sông, mái chèo của vận động viên trên thuyền có thể ở dưới nước vài giây nhưng ở biển như thế sóng sẽ đánh vào chèo, làm mất thăng bằng dẫn đến lật thuyền hoặc rất khó tiến lên. Việc “cưỡi sóng”, hay “đè sóng” là tránh được sóng biển đánh ngang vào con thuyền làm chìm thuyền.
“Bao giờ cũng vậy, “cầm chèo lái” thì miệng la, đầu lắc, mắt nhìn, chân giẫm. Chẳng hạn, tôi hô: Bình Thuận lên rồi, Bình Thuận lên rồi! Trong khi đó, đầu tôi phải lắc đều theo động tác chèo, mắt thì nhìn bao quát phía trước, chân thì giẫm đều đặn như kiểu đánh trống nhằm kích thích tinh thần của các vận động viên, đồng thời những động tác này có tác dụng giúp họ chèo đều tay nhau, lực đẩy nhờ đó cộng hưởng lớn, đẩy con thuyền lên nhanh. Ông Trung vừa nói, đôi tay vừa khua vào không gian như đang chèo thuyền, chỉ huy đội quân của mình”, bà Lựu tiếp lời chồng.
Đang say sưa kể về cuộc đua đầy hấp dẫn, chợt giọng bà Lựu chùng xuống: “Năm nay, tỉnh chỉ cho đội nữ kinh phí tập luyện và đi thi đấu còn đội nam thì phải tự túc. Thế nên cả đội đã bàn bạc và đi đến thống nhất là san sẻ một phần kinh phí của mình cho đội nam. Chế độ ăn uống trong tập luyện của hai đội vì thế rất hạn hẹp, mỗi ngày tập chỉ có 24.000 đồng/người. Ít ngày trước lúc lên đường, đội nam mỗi người phải vay mượn 23.000 đồng/người/ngày làm lộ phí và tiền ăn ở trong suốt quá trình thi đấu.
Vào đến Bình Thuận, cán bộ dẫn đoàn quyên góp được 180.000 đồng, mua cho anh em đội nam mỗi người một cái áo phông màu trắng. Lúc tham gia thi đấu, đội nam đã bị Ban tổ chức giải nhắc nhở là không có áo quần đồng phục. Chúng tôi đã phải xin Ban tổ chức thông cảm cho Quảng Trị, quê hương còn nghèo. Cuối cùng các anh cũng được tham gia thi đấu và cũng như đội nữ giành giải nhì toàn đoàn nhưng rất tiếc sau lưng áo các anh không có dòng chữ Quảng Trị!”.
Đến thành tích cấp quốc gia
Ông Trung và hàng trăm chiếc huy chương vàng, bạc do hai đội thuyền làng nam, nữ Đại Lộc B đoạt được trong các mùa giải quốc gia
|
Hai đội thuyền làng nam, nữ thôn Đại Lộc B, xã Triệu Thuận (Triệu Phong, Quảng Trị) có gần 30 vận động viên. Trong đó, gia đình ông Trung, bà Lựu có đến bốn người, số còn lại nằm rải rác trong thôn nghèo này với tổng cộng 120 hộ dân đều sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn. Trong đó, có không ít vận động viên vẫn còn phải ở trên những chiếc thuyền nan, sống cảnh nước sông, gạo chợ. Thế nhưng hoạt động đua thuyền lại gắn bó với họ tự nhiên, máu thịt nên dù khó khăn đến mấy họ cũng tìm cách tham gia.
Vinh quang mà họ đem về cho quê nhà bao năm qua được giữ gìn và treo rất trang trọng trong chiếc tủ gỗ, trên các bức tường nhà sơn màu nước biển của gia đình ông, bà “cầm chèo lái”. Tôi để ý có đủ thứ huy chương, chủ yếu màu vàng và các cờ lưu niệm giải vô địch quốc gia, rồi bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền. Trong đó, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 năm 2006 tổ chức tại Đà Nẵng, đội nữ thuyền làng Đại Lộc B đoạt huy chương bạc; giải Đua thuyền truyền thống quốc gia năm 2008 tại Cần Thơ, đội thuyền nữ làng này giành chức vô địch toàn đoàn; Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 năm 2010 tại Đà Nẵng, cả đội thuyền nam, nữ làng này đều giành huy chương vàng.
Trong cuộc hàn huyên chuyện trò tôi vô tình khám phá niềm đam mê môn đẩy gậy của ông Trung với chức vô địch môn đẩy gậy tỉnh Quảng Trị năm 2007. Tiếp đó, ông đoạt giải vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ ba tại Sóc Trăng… Ông Trung, bà Lựu có bốn người con. Trong đó, hai con đều tốt nghiệp Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, là Phạm Thị Hà, Phạm Chí Thanh, hiện công tác tại Trường THCS Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) và Trường cấp 1 và 2 Trưng Vương (TP. Đông Hà, Quảng Trị). Mặc dù có nghề nghiệp ổn định, ông Trung, bà Lựu vẫn mong các con mình… quay về làng công tác nhằm có điều kiện phát huy, xây dựng nghiệp “đua” của cha mẹ, đem lại vinh quang cho quê hương.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)