Nhiều người nghĩ bơi lội là môn thể thao dành cho người khỏe mạnh, đầy đủ tay chân. Tuy nhiên, có một chàng trai dù bị bại liệt, ngồi xe lăn nhưng lại bơi lội rất giỏi và lập được rất nhiều thành tích trong các giải đấu trong nước lẫn quốc tế mang vinh danh về cho nước nhà. Anh là “kình ngư” Danh Hòa (sinh năm 1988, vận động viên thuộc Đội tuyển thể thao dành cho người khuyết tật TP.HCM).
Anh Danh Hòa (bìa phải) cùng với đồng đội được lãnh đạo TP.HCM tuyên dương sau khi giành được nhiều thành tích
Tập bơi để bảo vệ bản thân
Sinh ra vốn khỏe mạnh nhưng năm lên 4 tuổi, anh Danh Hòa mắc căn bệnh sốt bại liệt khiến đôi chân của anh không đi lại được. Kể từ đó, chiếc xe lăn luôn đồng hành cùng anh trong việc đi lại. Dù gia đình rất khó khăn, cha mẹ phải làm nông để nuôi 5 đứa con nhưng vẫn cố gắng cho anh Danh Hòa đến trường để học tập với hy vọng sau này anh có thể dùng vốn kiến thức mà mình có để nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, điều gia đình lo lắng nhất không phải đứa con trai khuyết tật của mình không thể tự đi lại mà sợ bị té sông đuối nước. Bởi lúc đó, gia đình anh Danh Hòa sống ở Kiên Giang, xung quanh là sông, suối và biển nên những đứa trẻ trạc tuổi anh đều biết bơi lội để bảo vệ bản thân. Vậy là ở tuổi lên 6, anh Danh Hòa được gia đình cho tập bơi lội. Do gia đình nghèo không có tiền để tìm thầy dạy, anh Danh Hòa phải học bơi ở con sông gần nhà, cha anh chính là huấn luyện viên bất đắc dĩ cho con.
Chân không cử động, hoạt động bơi lội của anh Danh Hòa phụ thuộc vào đôi tay. Nhìn anh, không ai nghĩ anh sẽ học thành công môn bơi lội. Mặc kệ lời bàn tán về mình, anh Danh Hòa không chỉ chăm chỉ học chữ mà còn học bơi rất cần cù, siêng năng. “Những ngày đầu xuống nước tôi cũng sợ lắm, sợ bị chìm không ngoi lên được. Nhưng khi biết được kỹ thuật, tôi không còn cảm giác sợ mỗi khi xuống nước nữa. Mỗi ngày, sau giờ học chữ ở lớp, chiều về tôi lại tập bơi. Nhìn tôi bơi dưới nước, nhiều người ngỡ ngàng vì họ nghĩ chỉ có những người có tay chân đầy đủ mới bơi được còn tôi thì đôi chân không thể cử động nhưng bơi khá tốt. Thấy tôi biết bơi, cha tôi rất mừng vì không còn sợ tôi bị đuối nước”, anh Danh Hòa kể lại.
Dù đã biết bơi nhưng anh Danh Hòa vẫn không ngừng cố gắng, tập luyện mong có ngày trở thành tay bơi chuyên nghiệp và có thể tranh tài trong các cuộc thi lớn. Khát vọng của chàng trai bại liệt mỗi ngày mỗi lớn. Năm lên 11 tuổi, người cha của anh không may qua đời do bạo bệnh, di nguyện cuối đời của ông đó là mong con sau này thành công và trở thành người có ích cho xã hội. “Mình thấy ngoài bơi lội thì mình không có tài năng gì. Vì vậy mọi kỳ vọng của cha, của bản thân đều đặt vào môn bơi lội này dù đó chỉ là ước vọng và con đường đi đến thành công còn rất nhiều chông gai, thử thách”, anh Danh Hòa chia sẻ.
Ước mơ thành hiện thực
Một ngày nọ, anh Danh Hòa được người chị dẫn đi hồ bơi. Đó cũng là lần đầu tiên anh được bơi trong hồ nước trong veo, mát lạnh và không sợ nguy hiểm như bơi ở sông. Tại đây, anh Danh Hòa may mắn được thầy Hoàng Anh (huấn luyện viên bơi lội làm việc ở hồ bơi Tân Bình, TP.HCM) phát hiện khả năng và đưa vào đội tuyển của thầy. Từ đó, anh Danh Hòa trở thành học trò của thầy Hoàng Anh và là một trong những vận động viên được thầy cử đi thi Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra ở Hà Nội năm 2013. “Lúc đó tôi nghĩ mình đang mơ nhưng đó lại là hiện thực. Tôi đã vỡ òa cảm xúc và tự nhủ với bản thân phải cố gắng hết mình để không phụ lòng mong mỏi của thầy và những người thân trong gia đình. Bằng sự thi đấu hết mình, năm đó tôi giành được một huy chương bạc và một huy chương đồng”, anh Danh Hòa cho biết.
Trong những năm qua, hoạt động thể thao của người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Đã có rất nhiều vận động viên là người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế. |
Dù không đạt thành tích cao nhưng đại hội năm đó đã giúp cuộc đời anh Danh Hòa lật sang trang mới. Anh tiếp tục được tin tưởng và cử đi thi Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á ASEAN Para Games diễn ra ở Myanmar và được một huy chương bạc. Ở mỗi cuộc thi, anh Danh Hòa đều thi hết sức để mang về thành tích cao nhất. Từ huy chương bạc, đồng, anh phấn đấu giành những huy chương vàng để minh chứng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân anh vì sự nghiệp thể thao của người khuyết tật. Tại ASEAN Para Games lần thứ 12 năm 2023 vừa qua, anh Danh Hòa mang về 6 huy chương vàng môn bơi ở nhiều hạng mục. Anh là một trong những vận động viên lập nhiều thành tích ở đại hội lần này.
Tính đến nay, anh Danh Hòa đã có 5 năm liên tiếp tham dự ASEAN Para Games. “Thể thao đã rèn luyện cho tôi tính kiên trì, vượt qua khó khăn để đến với thành công. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Danh Hòa xúc động: “Để có được như ngày hôm nay, tôi cảm ơn người cha quá cố đã dạy cho tôi biết bơi lội, cảm ơn thầy Hoàng Anh đã cho tôi cơ hội để tôi có thể đứng trên bục vinh quang dưới sự ngưỡng mộ của nhiều người. Chính môn bơi này đã cho tôi cuộc sống tốt hơn. Nếu không trở thành vận động viên bơi lội có lẽ cuộc đời của tôi đã khổ rồi. Tôi sẽ dùng tài năng của mình để huấn luyện lại cho đàn em để những người khuyết tật có cơ hội đến với thể thao và khẳng định mình”, anh Danh Hòa bày tỏ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)